Ủy Ban Di Cư Công Giáo Quốc Tế Kêu Gọi Mở Rộng Tình Liên Đới Toàn Cầu
Nhận thấy nhu cầu cứu trợ người di cư và tị nạn ngày càng khẩn cấp, không chỉ ở châu Âu mà còn trên khắp thế giới, Ủy ban Di cư Công giáo Quốc tế (ICMC) lên tiếng kêu gọi mở rộng tình liên đới toàn cầu và gia tăng các hoạt động của Ủy ban.
Ủy ban Di cư Công giáo Quốc tế được Đức Giáo hoàng Piô XII thành lập năm 1951, có trụ sở tại Genève, tập hợp các tổ chức thuộc các Hội đồng Giám mục trên thế giới. Hoạt động trong 70 năm qua của Ủy ban bao gồm: bảo vệ và phục vụ người di cư, người tị nạn, nạn nhân của nạn buôn người, không phân biệt tín ngưỡng, chủng tộc, dân tộc hay quốc tịch.
Đức ông Robert Vitillo, Tổng Thư ký của Uỷ ban Di cư Công giáo Quốc tế nói trong một cuộc phỏng vấn dành cho Vatican News: “Những cái chết thương tâm của người di cư là hiện tượng toàn cầu. Điều này không chỉ ở châu Âu mà xảy ra trên khắp thế giới. Nhưng lại bị nhiều người bỏ qua”.
Đức ông cho biết, Ủy ban cung cấp các hoạt động sơ cứu ở cả cấp quốc gia, giáo phận và giáo xứ. Ngoài ra Uỷ ban cũng tham gia vào việc lập chương trình trực tiếp để ứng phó với một số trường hợp khẩn cấp quy mô lớn liên quan đến di cư. Trong trường hợp này, Uỷ ban cộng tác với các chính phủ, Liên Hiệp Quốc và các tổ chức khác liên chính phủ để đảm bảo bảo vệ và cung cấp cho các nhu cầu cơ bản của người tị nạn và di cư.
Trong cuộc phỏng vấn, Đức ông Vitillo nói thêm rằng, chính sự hợp tác liên tôn tốt đẹp trên toàn cầu, Ủy ban đã tạo ra một nền tảng chung với khoảng 3 ngàn tổ chức phi chính phủ, để khuyến khích các chính phủ, doanh nghiệp và các thành phần khác của xã hội tìm một thỏa thuận về các chính sách đúng và công bằng cho người tị nạn và người di cư. Đây là điều cơ bản, vì hầu hết các dịch vụ nhân đạo, bảo vệ và tái định cư trực tiếp của Ủy ban đều nằm ở các quốc gia nơi người Kitô giáo chiếm thiểu số ở các quốc gia đa số theo Hồi giáo. Vì thế, sự hợp tác liên tôn chặt chẽ, cũng là để khám phá những giá trị chung với tư cách là những người có đức tin. Ví dụ tại biên giới giữa Pakistan và Afghanistan, Ủy ban đã đưa ra 15 chương trình y tế khác nhau cho người tị nạn. (CSR_5440_2021)
Nguồn: Vatican News Tiếng Việt