Vài Nét Về Đức Ái Mục Tử Trong Cuộc Đời Đức Cha François Pallu


Lm. Vinhsơn Trần Minh Thực, PSS
Huế, nhân ngày giỗ đầu của một vị thừa sai, 21-9-2022
WHĐ (05.02.2023) – Cuộc đời dương thế của Đức cha François Pallu chỉ kéo dài 58 năm hai tháng, nhưng những di sản ngài để lại thật là đồ sộ[1]. Dù không chủ ý, những hành trình liên tục do ý thức trách nhiệm hoặc do hoàn cảnh đưa đẩy đã khiến ngài trở thành người đầu tiên đi vòng quanh trái đất luôn theo hướng đông[2]. Vốn là người cẩn trọng, khiêm tốn, hầu như luôn tiết chế và quân bình, dĩ nhiên ngài không hề muốn tạo lập những kỉ lục mới hay gây ấn tượng về những thành tựu của bản thân. Mọi động lực và ý hướng của ngài dường như được tóm gọn trong câu văn được ngài viết trong Nhật kí tại Ispahan, vào năm 1662, mà Louis Baudiment đã trích lại: “Thiên Chúa đã ban cho chúng tôi ơn được từ bỏ tất cả vì tình yêu Người và phá bỏ những gắn bó thánh thiện nhất vì lợi ích của Tin Mừng”[3]. Chính ngọn lửa tình yêu đó đã thôi thúc Đức cha Pallu đảm nhận và thi hành những nhiệm vụ được trao bằng những cố gắng vượt bậc.
Trong bài viết này, chúng tôi không có tham vọng họa lại chân dung toàn diện của vị thừa sai vĩ đại này, mà chỉ xin dùng đôi nét chấm phá liên quan đến việc bền bỉ tổ chức công việc được trao, đến vai trò thủ lãnh trong công việc chung, và việc thi hành nhiệm vụ trong tương quan mật thiết với Thiên Chúa trong cuộc đời Đức cha François Pallu để thử giới thiệu vẻ đẹp của một cuộc đời, vẻ đẹp của một trái tim thật gần gũi với trái tim của Vị Mục Tử, vì đã sống hết mình cho Thiên Chúa và vì ơn cứu độ của những người ở vùng đất Viễn Đông.

I. KIÊN TRÌ HOẠT ĐỘNG NHƯ MỘT NGƯỜI KIẾN TẠO

1. Dấn thân vì Hội Thánh ở Viễn Đông
2. Buông mình cho Thiên Chúa
3. Kết nối nhân tài vật lực
II. VỚI NHỮNG TỐ CHẤT CỦA MỘT THỦ LĨNH
1. Hết mình vì nhiệm vụ
2. Bình tĩnh giữa nguy hiểm
III. HOẠT ĐỘNG NHỜ NGUỒN SỨC MẠNH KÍNH MÚC NƠI TÌNH YÊU THIÊN CHÚA
1. Sự gắn bó sâu xa với Chúa trong cầu nguyện
2. Biết để Thiên Chúa hướng dẫn
3. Để luôn có con tim mục tử trong mọi hoàn cảnh

I. KIÊN TRÌ HOẠT ĐỘNG NHƯ MỘT NGƯỜI KIẾN TẠO
Điểm nổi bật đầu tiên nơi con tim mục tử của Đức cha François Pallu được thể hiện nơi việc bền bỉ theo đuổi và xếp đặt công việc của ngài. Khi còn là một linh mục trẻ và được cha Bagot xác định rằng kế hoạch truyền giáo cho vùng Viễn Đông mà cha Đắc Lộ đã gợi lên là chương trình mà Thiên Chúa muốn thực hiện trong cuộc đời mình, cha Pallu đã đáp lại lời mời gọi này một cách quảng đại và dứt khoát[4]. Ngài đã kiên trì dành trọn vẹn con người mình để sắp xếp sao cho công việc đạt được kết quả tốt nhất, qua những nỗ lực không ngơi nghỉ khác nhau.
1. Dấn thân vì Hội Thánh ở Viễn Đông
Vào những năm 1650-1652, khi trình lên Tòa Thánh những bản tường trình, cha Đắc Lộ cho rằng các vương quốc Đàng Ngoài và Đàng Trong ở vùng Viễn Đông cần các Giám mục để tổ chức Hội Thánh tại vùng đất này[5]. Chính cha Đắc Lộ nhận trách nhiệm tìm ba linh mục cho dự án này. Sau khi được cha Bagot mời nói chuyện với nhóm linh mục trẻ do cha hướng dẫn tại Paris, trên đường trở về, cha Đắc Lộ đã thốt lên: “Ôi, thưa cha, con vừa nhìn thấy những người mà Chúa dự liệu cho các miền truyền giáo của chúng ta rồi”[6]. Ba người trong nhóm linh mục trẻ được cha Đắc Lộ nhắm tới là các cha Pallu, Montigny-Laval, và Piques[7]. Được cha Bagot ngỏ lời, cha Pallu đã thay mặt nhóm trả lời: “Đây không phải là việc chúng con chọn lựa… Cha hãy ra lệnh và chắc chắn chúng con sẽ vâng phục, chúng con hoàn toàn phó mình cho sự cẩn trọng của cha”[8].
Thoạt nghe, người ngoài cuộc dễ có ấn tượng rằng lời đáp đầy vẻ khiêm tốn và tuân phục này có thể là vỏ bọc che đậy ước muốn đối với ánh hào quang của chức Giám mục. Trên thực tế, trong thời gian chờ đợi tại quê nhà, cha Pallu đã bị không ít những người thân thiết hiểu lầm, thậm chí có người còn cho rằng kế hoạch viển vông này là cạm bẫy và mưu chước của ma quỉ[9]. Cha Pallu và bạn hữu của ngài hiểu rất rõ rằng danh dự cao quí của chức Giám mục nơi vùng đất ngoại giáo xa xôi gắn liền với những cuộc bách hại và những khó khăn nguy hiểm[10]. Vốn là người cẩn trọng, cha Pallu và các bằng hữu không nói nhiều về chính mình. Tâm tư của ngài được diễn tả khá nhẹ nhàng, nhưng rõ nét trong thư gửi nữ công tước d’Aiguillon rằng ngài “luôn lưu giữ tận đáy lòng mình những tâm tình mà Chúa đã gợi lên, đó là tiêu hao hoàn toàn bản thân vì ơn cứu độ của Hội Thánh non trẻ tại Đàng Ngoài”[11]. Hơn thế nữa, dường như mẹ Marie de Saint-Bernard, nữ tu Dòng Cát Minh tại Paris, là người hiểu rõ cha Pallu khi nói với người chị của cha rằng: “Nếu như em của chị nhắm tới chức Giám mục, ngài không hi vọng nhờ đó có thu nhập lớn, ngài chỉ có thể trông chờ bộn bề công việc, đói khát, thiếu thốn đủ thứ, và sau cùng là cái chết vì Chúa và vì Hội Thánh. Đó là tham vọng của ngài khi chấp nhận chức Giám mục. Tôi không gặp thấy nhiều người có được những tham vọng như thế…”[12].
Những lời trích dẫn trên đây ít nhiều cho thấy chính nhiệt huyết tông đồ vì ơn cứu độ cho vùng đất Viễn Đông, một cách cụ thể hơn là đức ái mục tử, đã thúc đẩy cha Pallu và bạn hữu theo đuổi một dự án mà nhiều người khác ho là viển vông hoang tưởng.
2. Buông mình cho Thiên Chúa
Một dự án mới mẻ như thế, trong bối cảnh chính trị phức tạp vào nửa cuối thế kỉ 17, đã khiến cho việc thực hiện gặp phải đủ loại khó khăn ngay từ những bước khởi đầu.
Sau vài năm chờ đợi, cả cha Montigny-Laval và Piques đều rút lui để hoạt động trong những công việc khác[13], trong khi cha Pallu vẫn âm thầm theo đuổi sứ mệnh mà ngài xác tín đã được Chúa trao phó. Ngài long trọng lặp lại lời thề hứa[14]. Bị mẹ Marie de Saint-Bernard chất vấn về việc phải chăng ngài cũng bỏ cuộc, cha Pallu trả lời: “Tôi đặt nó trong tay Thiên Chúa nhân lành. Chẳng lẽ mẹ muốn tôi đi ngược với tâm tình của bằng hữu chúng ta? Chúng ta cần thêm ánh sáng Chúa ban; trong khi chờ đợi, cần phải cầu nguyện. Tôi không từ bỏ theo kiểu thế gian, mà tôi buông mình theo sự hướng dẫn của Chúa”[15].
Quả thật cha François Pallu vẫn âm thầm kiên trì theo đuổi việc thực hiện dự án. Trái tim ngài luôn dễ rung động sâu xa trước những gì liên quan đến ơn cứu độ của những người ngoại giáo ở phương trời xa xôi[16]. Ngài quyết dấn thân đến cùng cho công cuộc truyền giáo ở vùng Viễn Đông[17]. Năm 1657, cha Pallu cùng với bốn linh mục bằng hữu lên đường đi Rôma. Chuyến đi này mang tính quyết định, vì nó dẫn đến cuộc họp mặt giữa cha Pallu và cha Lambert de la Motte tại Rôma vào ngày 18-11-1657, tiếp theo là đoản sắc bổ nhiệm hai vị làm Giám mục vào ngày 29-7-1658. Sau đó, ngày 16-8, Đức cha François Pallu được bổ nhiệm làm Đại diện Tông Tòa Đàng Ngoài, cùng với các tỉnh Vân Nam, Quí Châu, Hồ Quảng, Quảng Tây, Tứ Xuyên và nước Lào; Đức cha Lambert de la Motte được bổ nhiệm làm Đại diện Tông Tòa Đàng Trong[18].
Cùng với những bổ nhiệm quan trọng này, cũng vào thời điểm đó, việc tìm kiếm và đào tạo nhân sự nhằm chuẩn bị tương lai lâu dài cho các Vùng Đại diện Tông Tòa đã từng bước giúp hình thành Hội Thừa sai Hải Ngoại Paris, quen gọi là Hội Thừa sai Balê, trong đó vai trò của Đức cha François Pallu là hết sức đặc biệt[19].
3. Kết nối nhân tài vật lực
Sau biết bao trở ngại, Đức cha François Pallu và bằng hữu cũng đã đạt được những bước khởi đầu đầy khích lệ. Những bước tiếp theo sẽ còn hết sức gian nan vất vả. Sau lễ tấn phong Giám mục vào ngày 17-11-1658, Đức cha Pallu đã phải dành tới ba năm để tổ chức nhân sự và tìm những nguồn tài trợ cho các Vùng Đại diện Tông Tòa[20].
Trước hết, trên đường trở lại nước Paris, Đức cha đi qua vùng Provence để thăm và thuyết phục cha Ignace Cotolendi, linh mục giáo phận Aix, chấp nhận trở thành vị Đại diện Tông Tòa thứ ba. Hơn nữa, ngay từ đầu năm 1658, ngài đã soạn đơn thỉnh cầu Bộ Truyền Giáo cho thiết lập một chủng viện để đào tạo các nhà truyền giáo tương lai. Đến giữa năm 1659, Đức cha Pallu đã tìm được hơn mười người sẵn sàng lên đường đi sang miền Viễn Đông[21]. Đến cuối tháng 10 năm đó, đã có khoảng 40 người tới gặp Đức cha Pallu, nhưng trong số này ngài chỉ chọn được sáu người có những phẩm chất mà ngài mong muốn[22]. Quả thật, việc tìm kiếm và tuyển chọn các thừa sai cho vùng Viễn Đông luôn là một bận tâm lớn của Đức cha Pallu. Trong bức thư gửi Bộ Truyền Giáo ngày 16-12-1660, Đức cha cho biết nhóm “thợ truyền giáo” của ngài gồm 30 người[23]. Vào năm 1670, trong chuyến trở về châu Âu lần thứ nhất, ngài đã đi qua nhiều giáo phận của nước Pháp, gặp nhiều Giám mục và linh mục để quảng bá và hi vọng có thể thu hút được một số thừa sai[24]. Hầu như ngài luôn biết nắm bắt mọi cơ hội vì mục đích này.
Song song với việc kêu gọi và tuyển lựa nhân sự, Đức cha Pallu cũng tìm mọi cách vận động sự trợ giúp từ nhiều phía khác nhau. Đức cha đã dùng lối tác động gián tiếp, hoặc gửi thư, hoặc tận dụng những cơ hội triều kiến vua Louis XIV để nài xin nhà vua dùng những biện pháp khác nhau tạo điều kiện cho các thừa sai có thể di chuyển và hoạt động dễ dàng hơn trong những miền đất khác nhau. Thậm chí, ngài cũng không ngần ngại đề nghị nhà vua cấp cho các vị Đại diện Tông Tòa những khoản trợ cấp[25]. Bên cạnh đó, dĩ nhiên Đức cha Pallu cũng vận động người thân trong gia đình, bạn hữu và nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ tài chính cho dự án lớn lao này. Chính bản thân ngài cũng dành toàn bộ số tiền được thừa hưởng từ gia đình cho dự án này[26].
Cũng trong mục tiêu kết nối và đặt nền tảng cho hoạt động của các thừa sai trong tương lai, trên hành trình đường bộ cũng như đường thủy sang Viễn Đông, Đức cha Pallu luôn để tâm tìm kiếm những nơi chốn và con người có thể trở thành những trạm dừng chân, những điểm liên lạc thư tín. Chúng ta có thể đọc thấy những chi tiết rất thực tế và thú vị trong bản Những bổ sung cho các Huấn Thị, được hoàn tất tại Ispahan ngày 10-9-1662. Ngay ở mục đầu tiên trong văn bản gồm chín mục này, Đức cha Pallu nhận xét như sau: “Trước hết, chúng ta phải nhanh chóng hết mức có thể nhằm biết được và vạch ra những con đường chắc chắn để đi sang Trung Quốc, Đàng Trong và Đàng Ngoài…[27] Thứ hai, chúng ta cũng phải nhanh chóng y như vậy nhằm thiết lập trên những con đường ấy những trạm thư tín trung thành và chắc chắn để gửi và nhận thư, để nhận những khoản tiền cần thiết cho việc duy trì sứ mệnh của chúng ta, và để có những nơi nghỉ ngơi vào những lúc khó khăn khi ta bị buộc phải nhượng bộ trước bạo lực”[28]. Trên những chặng đường khác nhau, Đức cha Pallu luôn để tâm tới những điều này[29].
Có thể nói khi đã quyết định dấn bước vào sứ mệnh đem ánh sáng Tin Mừng đến cho các dân tộc ở miền Viễn Đông, Đức cha François Pallu đã dấn thân một cách quyết liệt và trọn vẹn để toàn tâm toàn ý lo cho tương lai của các Vùng Đại diện Tông Tòa. Vì ơn cứu độ của những người được trao phó cho ngài, ngài đã không quản ngại hi sinh vất vả, lo sắp xếp và trù tính mọi bề để dự án không chỉ đạt kết quả tốt, mà còn không ngừng phát triển và đơm hoa kết trái cho tương lai lâu dài.
II. VỚI NHỮNG TỐ CHẤT CỦA MỘT THỦ LĨNH
Thực ra, vai trò của một nhà tổ chức nơi Đức cha François Pallu được bổ túc, hay nói đúng hơn được thể hiện rõ nét hơn khi chúng ta xem xét những phẩm chất của một thủ lĩnh trong những hoạt động không mệt mỏi của ngài. Thiết tưởng cần phải xác định thêm rằng có lẽ Đức cha Pallu không muốn, cũng không tự đặt mình làm thủ lãnh, thế nhưng chính những bận tâm vì nhiệm vụ, những nỗ lực hết mình chu toàn nhiệm vụ đã làm cho ngài thành một thủ lãnh trong dự án chung này.
1. Hết mình vì nhiệm vụ
Ngay sau khi được tấn phong Giám mục vào ngày 2-6-1660, lòng nhiệt tình với vùng đất được trao đã thúc đẩy Đức cha Lambert de la Motte lên đường sớm nhất để bắt đầu công việc tông đồ. Bệnh tật và một số trở ngại khác đã khiến Đức cha Lambert chỉ có thể lên tầu ở Marseille vào ngày 27-11-1660[30]. Vị Đại diện Tông Tòa thứ ba, Đức cha Ignace Cotolendi, được tấn phong Giám mục ngày 7-11-1660, cũng lên tầu ở Marseille ngày 3-9-1661[31]. Nhận xét về cuộc lên đường sau cùng của Đức cha Pallu, Louis Baudiment viết: “Trong hành động, ngài xả thân mình mà không tính toán, nhưng khi cần, ngài cũng khiến người khác hành động, và chính như thế mà ngài để Đức cha Lambert de la Motte và Đức cha Cotolendi ra đi trước ngài, trong khi ngài ở phía sau tiếp tục tổ chức dự án truyền giáo đang khởi đầu: đó là một thủ lãnh”[32].
Tuy nhiên, Đức cha Pallu lên đường sau hai vị kia không phải vì ngài muốn là “một thủ lãnh” “ở phía sau”. Điều đã cầm chân ngài là dự án đóng một con tầu để đi Viễn Đông. Đức cha Pallu đã lo đóng con tầu Saint-Louis vì Bộ Truyền Giáo không cấm đi đường biển, mà chỉ khuyên đi đường bộ đế tránh khỏi rơi vào tay người Bồđàonha. Công việc đóng tầu bắt đầu vào khoảng tháng 8-1659 và hoàn tất ngày 10-9-1660. Tuy nhiên, những tranh chấp giữa hai nước Pháp và Hàlan đã khiến chuyến đi đường biển bị trì hoãn. Rốt cuộc, con tầu bị bão đánh vỡ vào ngày 19-12-1660 khi chưa kịp đưa các nhà truyền giáo ra khơi[33].
Biến cố kể trên và nhiều biến cố khác cho thấy Đức cha Pallu không xa lạ với những dự tính kĩ càng, tốn nhiều công sức, nhưng rồi kết quả là sự đổ vỡ do những điều nằm ngoài dự liệu. Tuy nhiên, không vì thế mà ngài phó mặc tương lai cho những yếu tố ngẫu nhiên. Là đồng hương của Descartes và vốn là học trò của Dòng Tên, ngài luôn tỉ mỉ trong việc lập chương trình, cân nhắc kĩ lưỡng ưu điểm và nhược điểm của từng lựa chọn. Một ví dụ cho điều này được Baudiment thuật lại trong hành trình thứ nhất đi Viễn Đông, từ năm 1661 đến đầu năm 1664, khi Đức cha dừng chân ở Erzéroum: “Chính trong thời gian dừng chân này, vị Giám mục hoàn thành phần đầu tiên sổ tay hành trình của ngài. Cuối các ghi chú của mình, ngài tự hỏi nhìn chung có nên khuyên những người đi sau ngài đi theo con đường dài và khó khăn ngài đã chọn hay không? Theo thói quen, ngài phân tích các thuận lợi và khó khăn, rồi cuối cùng ngài đưa ra câu trả lời khẳng định, khi kết luận của ngài dựa vào bảy lợi thế được đánh số tỉ mỉ: ít đi qua các thành phố, ít trạm hải quan, đồ tiếp tế dễ dàng, thường xuyên gặp được các Kitô hữu, khí hậu tuyệt vời, nghỉ ngơi yên tĩnh ở Erzéroum, dễ dàng thực hiện mọi nghi lễ tôn giáo”[34].
Rất tỉ mỉ và rành mạch, luôn làm việc có phương pháp và để tâm đào tạo những người thuộc quyền cách thức chia sẻ công việc chung một cách hết sức cụ thể, đó chính là những yếu tố ít nhiều cho thấy tư chất lãnh đạo của Đức cha Pallu. Baudiment cung cấp cho chúng ta những chi tiết thật đặc biệt, cũng trong hành trình thứ nhất: “Từ ngày đầu tiên trên đường đi, Đức cha Pallu, người thực sự có tư chất lãnh đạo, đã bố trí nhiệm vụ cho các bạn đồng hành của ngài: ngài chia ba người mở và cuốn lều, hai người được giao việc chăm sóc ngựa và hai người khác quản lí việc bếp núc; người thứ tám nhận việc giám sát khí giới; cuối cùng người thứ chín được ủy thác việc lãnh đạo cả nhóm”[35].
Tỉ mỉ và rạch ròi, nhưng không vì thế mà nhóm thừa sai bị xé nát thành những nhóm nhỏ chỉ biết làm công việc của mình. Vị thủ lãnh của nhóm biết dùng chính đời sống, cách cư xử của mình làm cầu nói và liên kết tất cả mọi người, kể cả những người mà ngẫu nhiên các ngài có dịp gần gũi trên hành trình dài đầy gian nan vất vả. Chúng ta có được chứng từ của cha Brunel, một trong những bạn đồng hành của Đức cha Pallu, như sau: “Đức cha Pallu nêu gương thật nhiều cho những người dưới quyền ngài nhờ nếp sống mà không một chi tiết nào thoát khỏi sự chú tâm của những bạn đường; những người Acmêni và thậm chí cả những người Thổnhĩkì thường tiếp xúc với ngài đều bị cá tính đầy khôn ngoan và siêu thoát của ngài chinh phục. Ngài không ngần ngại đảm nhận biết bao công việc trên đường, như làm bếp, dọn bàn ăn, rửa chén dĩa, thu gom củi; ngài đã phân chia cho những người thuộc quyền những phần việc khác nhau và dành cho mình việc điều hành tổng quát, đào tạo thiêng liêng, soạn thảo Nhật kí và thư tín; nhưng điều đó không ngăn cản ngài giúp đỡ người khác trong những việc như thắng cương ngựa, chất hàng lên lưng ngựa, dựng lều; ban đêm, ngài canh gác theo phiên ngay cả khi trời mưa; ngài luôn luôn phục vụ và quanh ngài người ta nói với nhau: ‘Ngài có thể chịu đựng thật giỏi tất cả những điều đó’. Khi ngài rời xa các bận rộn vật chất và nói về Thiên Chúa, lời của ngài chân thành và sống động khiến người ta ngưỡng mộ”[36].
Cần phải ghi nhận rằng thực ra phong cách lãnh đạo của Đức cha Pallu mà chúng tôi vừa thử lược ra ở đây chính là đường lối mà ngài đã học được từ chính Chúa Giêsu, vì Chúa đã từng dạy các môn đệ của Ngài: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20,25-27). Đức cha Pallu đã đem giáo huấn này vào cuộc sống cụ thể một cách hết sức uyển chuyển và năng động để biến cuộc hành trình thành môi trường đào tạo cộng đoàn thừa sai của mình.
2. Bình tĩnh giữa nguy hiểm
Bên cạnh những phẩm chất của một thủ lãnh mà chúng tôi đã kể ra trên đây, thiết tưởng cũng cần phải đề cập tới một nét đặc biệt khác trong đời sống của Đức cha François Pallu, đó là phong thái bình tĩnh, thanh thản của ngài trước những tai họa hay mối hiểm nguy mà ngài đối diện.
Có thể nói sự kiện nổi bật phần nào giúp ta thấy được phần nào nét đặc biệt này nơi con người Đức cha Pallu diễn ra không bao lâu sau đoản sắc bổ nhiệm Giám mục. Vào một ngày thứ năm, khoảng 10 giờ 30 sáng, Đức cha Pallu đang dâng thánh lễ tại nhà thờ Saint-Florentins. Một trận cuồng phong nổi lên. Sét đánh vào ba bốn chỗ trong nhà thờ với mức độ dữ dội chưa từng thấy. Một người đàn ông ở ngay sau lưng Đức cha bị sét đánh chết tại chỗ. Lửa cháy khắp xung quanh ngài. Trong hoàn cảnh khủng khiết như thế, chính Đức cha thuật lại phản ứng của mình như sau: “Vì muốn an ủi các bạn, tôi không thể không nói rằng vào lúc đó, tôi thấy lòng mình càng thêm mạnh mẽ đến mức có thể nói rằng lòng tôi không hề sợ hãi, cho dù bản tính tôi khá rụt rè; tôi đưa hai tay ra trước mắt một chút và cúi xuống trên cuốn sách để tránh ngọn lửa, và ngay sau đó tôi hoàn tất thánh lễ cách thư thả. Vào lúc đó, tôi tin rằng ma quỉ tìm cách hăm dọa tôi nhưng hẳn nó phải nhanh chóng xấu hổ vì điều đó”[37].
Liên quan đến sự điềm tĩnh trước những tai họa và mối hiểm nguy, thiết tưởng cũng cần kể lại ở đây một sự kiện khác nữa. Ở phần trên, chúng tôi đã nhắc đến kế hoạch đầu tiên của Đức cha Pallu trong việc đem Tin Mừng đến vùng Viễn Đông là tổ chức đóng tầu Saint-Louis. Con tầu bị bão đánh vỡ và sự kiện này phần nào hé lộ bản lĩnh can trường và bình tĩnh của Đức cha Pallu trước những tai họa bất ngờ. Louis Baudiment cung cấp cho chúng ta nhận xét quí báu của Đức cha Cotolendi về phản ứng rất đáng ghi lại của Đức cha Pallu trong sự kiện này: “Trong khi Đức cha Hêliôpôlít (vốn là người cư xử như một vị thánh trong tình huống bất ngờ này, vì chưa bao giờ ngài tỏ ra thanh thản hơn lúc đó, và ta như nhận thấy rõ nét nơi gương mặt ngài một tâm hồn đã đầy Thiên Chúa và đã bị chỉ duy Thiên Chúa chiếm hữu), vẫn đang làm việc nhằm chuẩn bị cuộc lên đường của chúng tôi vào mùa tới…”[38].
Sự kiện thứ ba mà chúng tôi muốn đề cập ở đây liên quan đến chuyến vượt biển của Đức cha Pallu nhằm đến với Vùng Đại diện Tông Tòa Đàng Ngoài thân yêu vào năm 1674. Trong chuyến vượt biển ngày ngày 14-10, con tầu gặp phải cơn bão dữ dội tới mức hầu như không còn cơ may thoát nạn. Chính Đức cha Pallu để lại cho chúng ta những dòng sau đây: “Nhờ ơn Chúa, tôi cảm thấy rất bình an, yên lặng chờ đợi tất cả những gì Người truyền và cẩn thận quan sát mọi phút giây để đi giải cứu thủy thủ đoàn khi đến lúc, nghĩa là khi tất cả đều tuyệt vọng…, để tất cả chúng tôi đều chuẩn bị theo tinh thần Kitô giáo”[39].
Cẩn thận trù tính xếp đặt công việc, điều hành những người thuộc quyền một cách rành mạch và khoa học, âm thầm xả thân phục vụ, đó là những tố chất đặc biệt trong phong cách điều hành công việc chung của Đức cha Pallu. Thêm vào đó, sự điềm tĩnh trong tinh thần phó thác giữa những tai họa và hiểm nguy là một nét son khác nữa tô điểm cho gương mặt thủ lãnh nơi Đức cha, bởi Ngài luôn biết cách thu nạp sức mạnh đích thực cho đời sống mình.
III. HOẠT ĐỘNG NHỜ NGUỒN SỨC MẠNH KÍNH MÚC NƠI TÌNH YÊU THIÊN CHÚA
Những ghi nhận trên đây cho thấy thấp thoáng sức mạnh tinh thần trong đời sống và những hoạt động của Đức cha François Pallu. Nhiều chi tiết trong cuộc đời của Đức cha giúp chúng ta khám phá được rằng cội nguồn của sức mạnh đặc biệt này trong đời sống Đức cha bắt nguồn từ mối tương quan mật thiết và sâu sắc với Thiên Chúa, con tim mục tử của Đức cha luôn gắn bó với trái tim của Vị Mục Tử đích thực.
1. Sự gắn bó sâu xa với Chúa trong cầu nguyện
Đọc lại cuộc đời Đức cha Pallu, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng đời sống cầu nguyện trong cuộc đời ngài đặt nền tảng từ rất sớm trên những đức tính nhân bản và không ngừng được bồi đắp bằng những nỗ lực bền bỉ và liên tục trải dài trong đời sống đầy biến động của ngài.
Ngay từ thủa ấu thơ, cậu bé Pallu đã được vun trồng những đức tính nhân bản như khôn ngoan, ôn hòa, hết sức quân bình, đầy lòng hướng thiện và đạo đức[40]. Đó chính là nền tảng tốt lành và vững chắc cho đời sống thiêng liêng của cậu sau này. Khi trở thành linh mục, cha Pallu sống cùng những nhóm thân hữu đạo đức. Đời sống của họ vào thời điểm đó được miêu tả bằng những nét như sau: “Phần đông trong số những người trẻ này là những giáo sĩ triều và là những viên chức và họ có một khao khát đặc biệt với đời sống nội tâm: dùng tâm nguyện, nghe sách đạo đức trong bữa ăn, những cuộc trao đổi về đời sống thiêng liêng, sùng kính Đức Trinh Nữ, Thánh Giuse, các Thiên Thần, khổ chế thân xác và giữ kỉ luật nghiêm ngặt, tìm kiếm việc hạ mình, sống bác ái với nhau và cứu giúp người nghèo, đặc biệt người nghèo giấu giếm thân phận. Họ không bỏ qua điều gì có thể rèn luyện nhân cách và tôi luyện người Kitô hữu”[41].
Không lâu sau khi chịu chức linh mục, trong khoảng thời gian mười ngày giữa Lễ Chúa Lên Trời và Lễ Hiện Xuống năm 1652, cha Pallu chọn khung cảnh tĩnh lặng của nhà nguyện Cát Minh tại Tours để tĩnh tâm. Chỉ vài nét đơn sơ được thuật lại đủ cho chúng ta thấy chiều sâu đặc biệt trong đời sống cầu nguyện của cha: “Ngài dâng lễ tại đó mỗi ngày, rồi ở lại ‘hai giờ để nguyện ngắm buổi sáng, bất động như một pho tượng’, buổi chiều cũng vậy; ngài trở thành tấm gương cảm hóa lớn cho các nữ tu. Cha hướng dẫn ngài nói với mẹ bề trên mà không giải thích gì thêm rằng “các tâm thế của ngài thật đáng khâm phục biết bao’”[42].
Đời sống chìm sâu trong cầu nguyện như thế dường như không phải chỉ là những thời khắc sốt sắng mang tính ngẫu hứng hay chỉ thoảng qua trong đời sống của cha Pallu. Ở một chỗ khác trong tác phẩm của mình, Baudiment đã nhắc lại chi tiết nêu trên và bổ sung thêm bằng chính lời Đức cha Pallu trong thư gửi từ Madraspatam cho Đức cha Lambert de la Motte vào năm 1665: “Con không gặp khó khăn gì khi dành hai giờ buổi sáng trước nhan Thiên Chúa, và không có suy nghĩ nào khác ngoài chính Người, ít nhiều với sự hồi tâm”[43]. Cần biết thêm rằng bức thư này được viết trong bối cảnh hai vị Đại diện Tông Tòa muốn trình lên Tòa Thánh một bản luật dòng mà một trong những đòi hỏi dành cho các thành viên là “thực hành ba giờ nguyện ngắm mỗi ngày”[44]. Trong bối cảnh ấy, lời trên đây trong bức thư có thể hàm ý rằng ngay cả trong thời gian đi đường, Đức cha Pallu không cảm thấy khó khăn trong việc áp dụng đòi hỏi này.
Đó là những chi tiết rất sơ lược, nhưng cũng đủ để ta thấy được phần nào chiều sâu trong đời sống cầu nguyện làm nên mối tương quan gắn bó đặc biệt của Đức cha Pallu với Thiên Chúa và thánh ý Ngài.
2. Biết để Thiên Chúa hướng dẫn
Nơi cuộc đời Đức cha Pallu, đời sống cầu nguyện được liên kết chặt chẽ với những hoạt động cụ thể thuộc những phạm vi và mức độ khác nhau, vì Đức cha luôn biết để cho Thiên Chúa hướng dẫn mọi ý hướng và quyết định của mình.
Trước hết, Đức cha tìm kiếm ý Chúa trong những cuộc tĩnh tâm. Là một giáo sĩ có đời sống mẫu mực, Đức cha Pallu luôn dành thời gian cho những cuộc tĩnh tâm thông thường dành cho bậc giáo sĩ. Hơn thế nữa, vào những thời điểm đặc biệt, ngài thường tĩnh tâm để tìm thánh ý Chúa. Chúng ta có thể điểm lại ở đây một số kì tĩnh tâm ngay vào giai đoạn đầu đời linh mục của ngài. Không bao lâu sau khi chịu chức linh mục[45], cha Pallu đã tĩnh tâm tại La Flèche dưới sự hướng dẫn của một tu sĩ Dòng Tên để định hướng đời linh mục của bản thân mình[46]. Rồi sau đó không lâu, sau lễ Chúa Lên Trời vào năm 1651, ngài lại tĩnh tâm mười ngày tại nhà nguyện Cát Minh tại Tours với những chi tiết gây ngưỡng mộ mà chúng tôi đã nhắc tới trên đây. Sang năm 1652, khi được nghe cha Đắc Lộ giới thiệu về cánh đồng truyền giáo tại Đàng Trong và Đàng Ngoài ở vùng Viễn Đông và được cha Bagot khích lệ dấn thân vào dự án đặc biệt mà cha Đắc Lộ quảng bá, cha Pallu và các bạn hữu lại tĩnh tâm mười ngày để tìm kiếm ý Chúa. Sau đó, họ được cha Bagot khẳng định rằng dự án này là công trình của Thiên Chúa. Chính vì thế, cha Pallu và bằng hữu đã quyết tâm dấn thân trọn vẹn cho công trình này[47].
Một cách thức khác nữa mà Đức cha Pallu cũng thực hành để tìm kiếm và thi hành ý Chúa là khiêm tốn tự đặt mình dưới sự hướng dẫn của một linh mục khác. Trên đây, chúng tôi đã nhắc đến việc Đức cha và bạn hữu đặt mình dưới sự hướng dẫn của cha Bagot trước lời mời gọi đi truyền giáo cho vùng Viễn Đông của cha Đắc Lộ. Trong bức thư gửi cha Bagot vào ngày 26-12-1663, ngài cho cha Bagot biết trên tầu đi từ Masulipatan đến Siam, ngài đã tĩnh tâm dưới sự hướng dẫn của một trong những linh mục thuộc quyền là cha Brindeau “vì những lí do đặc biệt, nhất là xét rằng việc áp dụng chính xác và bền bỉ của cha ấy đối mọi việc cha ấy làm, do vậy mà cha ấy hầu như luôn làm được việc, tính cách đó tương phản trực tiếp với những khuyết điểm của con mà cha đã biết. Con tin rằng khi con tự đặt mình dưới sự hướng dẫn của cha ấy đối với lối sống cá nhân và riêng biệt của con, như một trẻ thơ, khi con thỉnh thoảng trình cho ngài những dốc quyết và những thực hành của con, con sẽ thu hút được lòng thương xót của Thiên Chúa trên con, đó là điều con cũng đã cảm nhận được”[48].
Chính vì luôn biết để Thiên Chúa hướng dẫn mà con tim của Đức cha Pallu mang những nét trắc ẩn thật gần gũi với trái tim đầy lòng nhân từ của Thiên Chúa.
3. Để luôn có con tim mục tử trong mọi hoàn cảnh
Những chuyến đi và rất nhiều nhiệm vụ khác nhau khiến Đức cha François Pallu không có nhiều cơ hội thi hành công việc của một chủ chăn trong giáo phận của mình. Tuy nhiên, ở một vài chỗ trong bài viết này, chúng ta ít nhiều có thể nhận thấy nơi ngài sự ân cần và nhạy bén của một mục tử. Hơn thế nữa, một số dịp trong cuộc đời ngài mà chúng tôi thử nêu ra dưới đây cũng cho chúng ta thấy được phần nào vẻ đẹp của đức ái mục tử một cách cụ thể trong đời sống của Đức cha.
Dịp thứ nhất diễn ra vào năm 1655, trong thời gian trở ngại và trì hoãn, cha Pallu trở lại quê hương. Lúc này, tại Tours có tới khoảng 9000 người ăn xin. Giới chức đạo đời của thành phố đã họp mặt để tìm cách chăm sóc và tìm nơi trú ngụ cho những người này. Việc làm của cha Pallu lúc đó được ghi nhận lại như sau: “Ngài dấn thân vào những công việc tốt đẹp mà nếu không có ngài, người ta đã không thể đạt được kết quả như ngài đã đạt được, vì ngài đã thi hành bằng cả lối sống tốt lành và thận trọng, nên người ta đã lập được một nhà đón tiếp rộng lớn để đưa những người nghèo vào đó. Người ta cũng đã tiến hành một cuộc lạc quyên trong thành phố mà theo tôi biết chỉ riêng giáo xứ Saint-Saturnin đã góp được 4.000 livres. Ngài khởi sự một ngôi nhà để kéo những cô gái khốn khổ ra khỏi nỗi bất hạnh mà tội lỗi đã đẩy họ vào chỗ lộn xộn”[49].
Dịp thứ hai mà chúng tôi muốn kể đến ở đây là những chăm sóc mục vụ mà Đức cha Pallu dành cho những Kitô hữu mà ngài gặp được trên những hành trình của ngài. Trong hành trình thứ nhất sang Viễn Đông, khi phải dừng chân ở Masulipatam để chờ gió mùa đi Tenasserim, dù sau một hành trình rất dài và mệt mỏi, ngài đã sẵn lòng đáp lại lời thỉnh cầu thiết tha của các tu sĩ Capuxinô, đến Madras “và trong 15 ngày, ngài ban bí tích thêm sức cho hàng ngàn người công giáo”[50]. Sau đó, ngài đến Méliapour và tiếp tục ban phép thêm sức tại đó. Rồi khi trở lại Masulipatam, ngài lại ban phép thêm sức cho khoảng 200 người. Lần khác, trong chuyến bị áp giải đi Tâybannha, vào tháng 8-1676, khi dừng chân ở La Havana, Baudiment thuật lại cảnh tượng như sau: “Người ta nhìn thấy một cảnh tượng bất thường: các tù nhân đáng thương đi từng nhóm tám người, có lính canh đi kèm, tiến về con tàu nơi cầm giữ người đồng hương của họ trong phẩm cách Giám mục. Vị này đã xin năng quyền từ Giám mục của La Havana, nên ban ơn xá giải và cho họ rước lễ, sau đó lắng nghe và nâng đỡ họ, rồi tiễn những tâm hồn được an ủi đó ra về”[51]. Đó là sự chăm sóc mà Đức cha Pallu dành cho khoảng hơn sáu mươi tù binh người Pháp tại đó.
Sự kiện sau cùng mà chúng tôi muốn thuật lại ở đây diễn ra vào thời gian cuối cùng trong cuộc đời trần thế của Đức cha Pallu. Vào cuối Mùa Chay năm 1684, khi đang ở Chương Châu, Trung Quốc, Đức cha lâm vào tình trạng suy nhược toàn diện. Từ Chương Châu, ngài đi Mục Dương và vẫn chế ngự cơn đau để cố gắng thi hành nhiệm vụ của mình và đọc cho cha Charles Maigrot viết những lá thư gửi đi khắp nơi, đồng thời sắp xếp nhân sự và công việc trong vùng đất được trao cho ngài. Ngài tiếp tục miệt mài đi tới những vùng lân cận để ban bí tích thêm sức và chăm sóc các tín hữu tại đó. Sau đó, ngài đi đến Phúc An. Cuối tháng 9, ngài gọi cha Maigrot đến để giúp ngài viết tám lá thư cuối cùng[52] và còn tiếp tục ra đi chăm sóc mục vụ cho các tín hữu. Khi đã gần như hoàn toàn kiệt quệ, ngày 24-10, ngài quay trở lại Mục Dương, thân xác hao mòn tiều tụy. Từ ngày 25-10, các cơn đau xuất hiện ngày càng nhiều và dữ dội hơn. Ngài qua đời ngày 29-10-1684, như một ngọn nến đã tiêu hao hết mình vì tình yêu Thiên Chúa và vì ơn cứu độ của anh em đồng loại, vì những lo toan vượt bậc dành cho những nhiệm vụ mục tử được Hội Thánh ủy thác[53].
Khi bình luận về chuyến đi châu Âu lần cuối cùng trong cuộc đời Đức cha François Pallu, Fénelon đã nhận xét: “Chúng tôi thấy ngài vừa kết thúc một hành trình vòng quanh trái đất. Nhưng con tim của ngài vốn lớn hơn cả thế giới vẫn còn ở tại những miền đất rất xa xôi đó”[54]. Con tim mục tử của Đức cha Pallu là thế, luôn gắn bó với cả những vùng đất mà có thể ngài chưa hề đặt chân tới, không chỉ “tiêu hao hoàn toàn bản thân vì ơn cứu độ của Hội Thánh non trẻ tại Đàng Ngoài”[55], mà còn là biết bao vùng đất khác nữa. Con tim của ngài còn lớn hơn cả thế giới vì mang những nét gần gũi với con tim của chính Vị Mục Tử. Con tim đó chứa đựng cả thế giới bằng đức ái mục tử.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 132 (Tháng 11 & 12 năm 2022)

________________________________________
[1] X. Baudiment, L., François Pallu (1626-1684). Đấng sáng lập chính Hội Thừa sai hải ngoại Paris, (Hà Nội 2022), 594-598.
[2] X. Baudiment, L., sđd, 417.
[3] Baudiment, L., sđd, 498. Ở đoạn văn này và những chỗ khác, chúng tôi trích theo bản dịch tiếng Việt đồng thời chỉnh sửa nhiều chi tiết và từ ngữ theo bản tiếng Pháp.
[4] X. Baudiment, L., sđd, 42-43.
[5] X. Launay, A., Histoire générale de la Société des Missions-Étrangères. I. (Paris 1894), 10; Baudiment, L., sđd, 42.
[6] X. Baudiment, L., sđd, 42.
[7] X. Baudiment, L., sđd, 46; Launay, A., sđd, 15 ghi tên ba vị là Pallu, Laval, và Pique. Neue Zeitschrift für Missionswissenschaft / Nouvelle Revue de Science Missionnaire 1948, 38-43 cung cấp những bản văn tiếng Latinh bao gồm những câu hỏi điều tra và ý kiến của bẩy người về việc đề cử cha François Pallu lên chức Giám mục. Cả bảy người được hỏi đều đưa ra những nhận xét rất tích cực về ngài.
[8] X. Baudiment, L., sđd, 43.
[9] X. Launay, A., sđd, 24; Baudiment, L., sđd, 54-55.
[10] X. Launay, A., sđd, 14.
[11] X. Baudiment, L., sđd, 62.
[12] Baudiment, L. (éd.), Un mémoire anonyme sur François Pallu, (Tours 1934), 54; x. Baudiment, L., François Pallu, 66.
[13] X. Launay, A., sđd, 22; Baudiment, L., sđd, 52.
[14] X. Baudiment, L., sđd, 49.
[15] Baudiment, L. (éd.), Un mémoire, 33-34; x. Baudiment, L., François Pallu, 59.
[16] X. Launay, A., sđd, 25; Baudiment, L., François Pallu, 61.
[17] X. Launay, A., sđd, 26.
[18] X. Baudiment, L., François Pallu, 67-71.
[19] X. Launay, A., Mémorial de la Société des Missions-Étrangères 1658-1913, (Paris 1916), 484.
[20] X. Baudiment, L., François Pallu, 84.
[21] X. Launay, A. (éd.), Lettres de Monseigneur Pallu écrites de 1654 à 1684, (Paris 2008), 405
[22] X. Baudiment, L., François Pallu, 102.
[23] X. Launay, A. (éd.), Lettres, 407-411.
[24] X. Baudiment, L., François Pallu, 287.
[25] X. Baudiment, L., François Pallu, 114.124-125.255-258.273.318.331.361-370.409.465.472.
[26] X. Baudiment, L., François Pallu, 46.111.281.288-289.331.409.414.464.558.
[27] Chúng tôi lược bỏ không dịch một đoạn văn.
[28] Launay, A. (éd.), Lettres, 34; x. Baudiment, L., François Pallu, 170-171.148.
[29] X. Baudiment, L., François Pallu, 139.148-149.192-193.334.
[30] X. Launay, A., Mémorial, 351.
[31] X. Launay, A., Mémorial, 154.
[32] Baudiment, L., François Pallu, 508-509.
[33] X. Baudiment, L., François Pallu, 109-118.
[34] Baudiment, L., François Pallu, 147.
[35] Baudiment, L., François Pallu, 144.
[36] Baudiment, L., François Pallu, 146-147.
[37] Launay, A. (éd.), Lettres, 719-720; x. Baudiment, L., François Pallu, 74-75.
[38] Baudiment, L., François Pallu, 118-119. Hêliôpôlít là tên hiệu tòa của Đức cha François Pallu.
[39] Baudiment, L., François Pallu, 386.
[40] X. Baudiment, L., François Pallu, 29.31.
[41] Baudiment, L., François Pallu, 39.
[42] Baudiment, L., François Pallu, 34.
[43] Launay, A. (éd.), Lettres, 65; x. Baudiment, L., François Pallu, 522.
[44] Baudiment, L., François Pallu, 226.
[45] Theo Baudiment, L., François Pallu, 32, có lẽ François Pallu đã chịu chức linh mục vào ngày 24-9-1650.
[46] X. Baudiment, L., François Pallu, 33.
[47] X. Baudiment, L., François Pallu, 43.
[48] Launay, A. (éd.), Lettres, 425; x. Baudiment, L., François Pallu, 202.
[49] Baudiment, L. (éd.), Un mémoire, 24-25; x. Baudiment, L., François Pallu, 53-54.
[50] X. Baudiment, L., François Pallu, 193-196.
[51] Baudiment, L., François Pallu, 406.
[52] X. Baudiment, L., François Pallu, 576-578.
[53] X. Baudiment, L., François Pallu, 589-592.
[54] Baudiment, L., François Pallu, 492. Nguyên văn Pháp ngữ của đoạn văn này như sau: “Nous l’avons vu qui venait de mesurer la terre entière. Mais son coeur plus grand que le monde était encore dans ces contrées si éloignées”.
[55] X. Baudiment, L., sđd, 62.