Vân Đõa – Hành Trình 400 Năm : Tạ Ơn – Hiệp Thông – Hy Vọng


Nhìn vào tựa đề, độc giả dễ thấy ngay nội dung và ý nghĩa của những gì sắp được trình bày : khởi đi từ những dữ liệu lịch sử đang có, chúng ta sẽ cùng nhau suy niệm về ba chiều kích của một hành trình của giáo xứ Vân Đõa. Đó là nhìn lại quá khứ để tạ ơn, sống hiện tại trong sự hiệp thông, hướng về tương lai với niềm hy vọng. Như thế, bài sẽ gồm hai phần chính. Phần thứ nhất nói về những dữ liệu lịch sử : đi từ một tin không vui, đến một niềm an ủi, để thoáng thấy một niềm hy vọng. Phần thứ hai sẽ là một vài suy tư : tưởng niệm quá khứ để sống hiện tại và nuôi dưỡng niềm hy vọng vào tương lai.

I. NHỮNG DỮ LIỆU LỊCH SỬ

  1. Một tin không vui

Con số 400 năm và mốc 1624 có chính xác ? Hay đó chỉ là một con số tương đối, được làm tròn ? Dựa vào đâu để có thể quả quyết cách chính xác 400 năm ngày lãnh nhận Tin Mừng ?

Phải nói ngay rằng những tài liệu mà chúng ta hiện có rất sơ sài. Đó là Niên Giám Giáo Hội Việt Nam 1964, cuốn Đôi nét về các giáo xứ trong Giáo Phận Đà Nẵng, phần « Địa sở Vân Đõa-Hà Lam »,  của cha Pr. Lê Như Hảo, do ông G. M. Phạm Cảnh Đáng biên tập và in ấn, lưu hành nội bộ. Sau đó, những tài liệu của Văn khố Hội Thừa Sai Ba-lê (Missions étrangères de Paris, viết tắt là MEP).

Trước hết, ở trang 285 của cuốn sách thượng dẫn, cha Pr. Lê Như Hảo cho biết :

« Căn cứ bản tường trình đề ngày 27.10.1715 của giáo sĩ Godefroi gởi về Hội Thừa Sai Pháp ở Balê thì đạo Công giáo đã được rao giảng trên miền đất Thăng Hoa Lộ dưới triều Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần và trong thơ giáo sĩ Rivoal gởi về Hội Truyền giáo Pháp cũng có ghi xứ đạo Vân Đõa có 70 gia đình giáo dân do các cha dòng Phan Sinh phụ trách.

Tác giả cuốn Quảng Nam qua các thời đại, ông Phan Du viết : năm 1771 vua  Tây Sơn Nguyễn Nhạc kéo quân từ Bình Định ra Quảng Nam đánh Chúa Nguyễn. Vua Thái Đức đã đóng quân bên nhà thờ Tiên Lộc, ông đến gặp giáo sĩ Jumilla, xin ủng hộ thuốc men. Ông hứa giúp đỡ xây cất nhà thờ, tự do hành đạo. Nhà vua biệt phái một tiểu đội 13 lính đến canh gác khu vực nhà thờ (cho khỏi) bị quấy phá. Vua Thái Đức không quên mời Linh mục Jumilla đến doanh trại, tiếp đón cha niềm nở, yêu cầu cha vận động giáo dân hưởng ứng phong trào Tây Sơn. Giáo sĩ Jumilla trả lời : ngài sang Việt Nam chỉ để giảng đạo, chớ không làm chính trị. »

Cần nêu ngay vài nhận xét về những thông tin trong trang sách vừa được dẫn. Có ba chuyện khác nhau, cách nhau nhiều năm. Về sự kiện thứ nhất : tên chính xác của vị thừa sai là Godefroy chứ không phải Godefroi, và tên đầy đủ là François GODEFROY, sinh quán miền Normandie, Pháp, đi truyền giáo từ 1701. Trước hết, ngài ở Xiêm, đến 1712 thì sang Đàng Trong, rồi qua đời tại Bau Nghe, Quảng Ngãi, 16-5-1718[1]. Nếu bản tường trình này được viết năm 1715, thì những gì được kể lại đã xảy ra gần một thế kỷ trước. Về sự kiện thứ hai, nếu Tin Mừng được rao giảng “dưới triều Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần” thì phải là sau năm 1648, là năm ông này bắt đầu lên ngôi kế vị[2], tức muộn hơn ít nhất là 24 năm so với mốc 1624. Còn về thời điểm giáo sĩ Rivoal gởi thư về Hội Truyền giáo Pháp thì không được nêu, nên khó xác thực. Sự kiện thứ ba, cách sự kiện thứ nhất 56 năm, được lấy từ một cuốn sách khác[3], và cũng có ít nhất mấy điểm cần nói : 1/ Cho đến năm 1778 Nguyễn Nhạc mới lên ngôi Hoàng Đế, lấy hiệu là Thái Đức. Năm 1771 thì ba anh em họ Nguyễn mới khởi binh, phải mấy năm sau mới đánh ra Quảng Nam. Vậy nếu Nguyễn Nhạc có gặp giáo sĩ Jumila thì không thể là vào năm 1771 được. 2/Tên của vị giáo sĩ là Jumila hay Jumilla ? Vị này có phải vẫn được đề cập ở những chỗ khác dưới tên cố Du ? 3/ Phương pháp biên soạn của tập sách thì không chặt chẽ lắm, nên có thể nói rằng những thông tin được nêu không hoàn toàn khả tín. Dù sao, trang sách này cũng cung cấp cho chúng ta một vài chỉ dẫn để đi tiếp, trong văn khố của nhà MEP, như sẽ nói dưới đây (trong phần I.3., khi bàn về niềm hy vọng).

Ngoài những tài liệu vừa nêu trên, thì còn có thêm những ghi chép của ông Phaolô Lê Văn Ba và ông Simon Hoàng Kim Báu, những truyền khẩu và những suy diễn từ lịch sử truyền giáo của GH Công Giáo Việt Nam. Vì chỉ dựa vào truyền khẩu và suy diễn nên những nguồn này cũng không chắc chắn. Chẳng hạn câu chuyện các nhà truyền giáo ngược sông Trường Giang đến truyền giáo tại vùng đất Tiên Đõa – tức tên gọi khác của Vân Đõa- rồi từ đây, những người dân An Sơn lui tới buôn bán và nhận Tin Mừng, rồi trở thành những tín hữu đầu tiên ở An Sơn thì khó xác định được là năm nào.

Một nguồn « truyền khẩu » khác, từ cha Phaolô Mai Văn Tôn : năm 1691 tại Tiên Đõa đã có 40 giáo dân. Cha Cố Phaolô về quản xứ Hà Lam từ 1972, nếu chuyện trên đây được ngài kể sớm nhất, tức khả tín nhất, thì cũng phải từ lúc mới về nhận xứ : chuyện được kể đã xảy ra từ 281 năm trước (1972-1691 =  281). Không biết là ngài dựa vào đâu để nói vậy ? Mà giả như chuyện này có cơ sở, thì còn rất lâu mới ngược về tới mốc 1624 được, tức 67 năm trước.

Tạm kết luận : các thông tin chúng ta có, đặc biệt là về mốc khai sinh 1624, không khả tín. Mọi sự đều mơ hồ. Nói điều này không phải để nản lòng, nhưng để từ sự thật đó mà truy tầm, và để hy vọng, như sẽ thấy dưới đây. Vậy, con số này phải là 400 năm, hay chỉ là 399 năm, hay 401 năm hoặc một con số khác ? Dù không chính xác, chúng ta có thể học được gì và tìm ý nghĩa nào của biến cố này ?

  1. Một niềm an ủi

Về sự không chính xác, chúng ta có thể được …an ủi từ những trường hợp khác. Sự không rõ ràng, thiếu chắc chắn không chỉ riêng là của Vân Đõa.

Chẳng hạn, hãy xét các chi tiết ngày 25/12/01, được mặc định là ngày Chúa Giáng Sinh. Đáng tiếc là các sách Tin Mừng không cung cấp cho ta một dữ liệu chính xác. Chúng ta biết rằng ngày mừng lễ Giáng Sinh 25/12 không dựa trên lý do lịch sử, nhưng dựa trên lý do thần học. Để nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu là Mặt Trời Công Chính, nên Giáo Hội chọn mừng vào ngày 25/12, vốn trước đó là lễ kính thần Mặt trời của dân ngoại giáo Rôma. Điều này có nghĩa là chúng ta không biết chính xác ngày sinh của Chúa. 2/Về năm sinh của Chúa thì sai số còn nhiều hơn: tu sĩ Điônisiô, vào thế kỷ thứ sáu, đã có những nhầm lẫn khi xác định năm thứ nhất của Kỷ nguyên Kitô giáo, cũng gọi là Công nguyên. Ông đã tính lệch đi, muộn khoảng 5-6 năm.

Nhìn vào lịch sử Việt Nam, về 4000 năm và về 18 đời vua Hùng chẳng hạn, cũng sẽ thấy một điều tương tự. Theo Thế Thứ các triều vua Việt Nam của giáo sư Nguyễn Khắc Thuần thì 18 vị vua Hùng có tên tuổi hẳn hoi, với số năm trị vì và các chi tiết khác cách chính xác. Ví dụ đời thứ 4 và 5 là hai vua Hùng Diệp vương từ 2252 – 1913 TCN, rồi Hùng Hy vương từ 1912 – 1713 TCN[4]. Nhưng theo các nhà sử học khác, thì chuyện này vô cùng khó tin !

Các đời vua Hùng được đề cập lần đầu trong Đại Việt sử lược là bộ sử xưa nhất, rồi sau đó là trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Theo đó, các đời Hùng Vương kéo dài 2.621 năm, tính từ thời Kinh Dương Vương (2879 TCN) cho đến hết thời Hùng Vương (năm 258 TCN). Con số này quá dài ! Vì thế sử gia Trần Trọng Kim phê bình : cứ chia quân bình thì mỗi đời vua kéo dài trên dưới 150 năm ! Do đó, theo ông chuyện này không thể tin được[5]. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng thì nói mạnh hơn nữa : « 18 đời vua chỉ là con số biểu trưng…Không ai biết được vua Hùng có tên là gì, đừng cất công tìm vô ích » [6]. Ngày nay, giới nghiên cứu sử và khảo cổ cho rằng thời các vua Hùng có lẽ kéo dài chừng 400 năm. So với con số 2621 nêu trên và so với con số của giáo sư Thuần thì chênh lệch nhau hơn 2200 năm !

Không chỉ vậy, còn biết bao nhiêu sự kiện khác dựa trên truyền khẩu, nhất là lịch sử những thời đầu, cả đạo lẫn đời. Người ta thường nói huyền sử có trước chính sử, hoặc truyền khẩu đi trước truyền văn. Đến khi ghi chép được, thì lại do chiến tranh, loạn lạc và biết bao lý do khác mà thất lạc. Lịch sử giáo xứ Vân Đõa cũng không ngoại lệ.

Nói như thế để làm gì ? Để từ chỗ được an ủi chúng ta bước sang niềm hy vọng.

  Nhiều tia hy vọng

Trong dịp đi Pháp vừa rồi, cuối tháng 10/2024, chúng tôi liên hệ với Văn Khố của nhà MEP ở Paris và đã có được bản sao chụp báo cáo viết tay của cha Francois Godefroy, nhưng tìm mãi vẫn không thấy những thông tin như đã nói trong cuốn sách của cha Pr. Lê Như Hảo.

Vậy cha Pr. Lê Như Hảo căn cứ vào đâu mà nói như trên ? Có thể có một bản báo cáo khác của cha Godefroy mà người ta chưa tìm ra chăng ? Hy vọng một ngày nào đó, chúng ta sẽ tìm ra được bản ấy. Dù thông tin chỉ dẫn mơ hồ, nhưng hy vọng mọi sự sẽ dần sáng rõ.

Ngoài ra, chúng tôi còn liên hệ với cha Pr. Nguyễn Thanh Tùng[7] và được ngài gởi cho rất nhiều báo cáo và tường trình bằng tiếng Pháp mà các thừa sai gởi về nhà MEP. Trong đó có rất nhiều tài liệu liên quan đến GP Quy Nhơn là GP Mẹ của gx Vân Đõa trước đây. Tài liệu đang ngổn ngang chưa được sắp xếp, nên không biết bắt đầu từ đâu để tìm. Nhưng hàng trăm, hàng ngàn báo cáo như thế thật quý giá, nếu có thời gian và phương pháp, men theo những chỉ dẫn mà tìm, có thể thấy được những thông tin cần thiết và bổ ích.

Nhưng trên hết, có một niềm hy vọng khác với tầm mức và ý nghĩa lớn lao hơn : một phần lớn Năm kỷ niệm 400 năm của hai giáo xứ Vân Đõa và An Sơn nằm trong khuôn khổ của Năm Thánh 2025 mà Giáo Hội hoàn vũ sắp cử hành. Đó là Năm Thánh của niềm Hy vọng : Spes non confunditHy vọng không làm thất vọng. Chúng ta sẽ được soi sáng từ “Sắc chỉ công bố Năm Thánh” của ĐGH để suy tư và cầu nguyện.

Như vậy, nếu Chúa chưa gởi các sử gia đến giúp chúng ta, thì Ngài lại ban tặng những món quà quý giá bất ngờ khác. Chúa không dạy trời làm bằng chất liệu gì, nhưng dạy chúng ta làm thế nào để lên trời. Chúa muốn chúng ta khám phá ý nghĩa của những chặng đường đã qua, để sống và tiếp tục hành hương về Nước Trời. Đó là những gì sẽ được trình bày dưới đây.

 II. SUY TƯ VÀ CẦU NGUYỆN

Như đã nói trên, qua biến cố khởi đầu và 4 thế kỷ sống đức tin khởi phát từ biến cố ấy, chúng ta được mời gọi để sống ý nghĩa của một hành trình hơn là tìm sự chính xác của các con số. Vậy đâu là ý nghĩa của lịch sử dài ngót nghét 4 thế kỷ mà Vân Đõa và An Sơn đã trải qua đối với chúng ta ngày nay ? Phần này mời gọi chúng ta sống lại cuộc hành trình từ Quá khứ vào Hiện tại để đi đến Tương lai, như một cuộc hành hương mà ĐGH đã mời gọi : « hãy là những người hành hương của hy vọng ». Cuộc hành hương này sẽ khởi đầu với Tưởng Niệm và Tạ ơn, để sống Hiệp Thông trong hiện tại và hướng về Niềm Hy vọng lớn lao trên Quê Trời.

1/ Quá khứ – Tạ ơn

Chúng ta hay nói ôn cố tri tân[8], ôn cũ để biết mới. Người ta cũng nói lịch sử như tấm gương soi, nhìn vào đó để mà biết mình. Một cộng đồng hay một cộng đoàn không có lịch sử sẽ như thế nào ? Tại sao chúng ta tìm về quá khứ ? Bốn chữ « Mộc Bản Thủy Nguyên » nhắc chúng ta rằng cây còn có cội, nước phải có nguồn, huống là con người !

Nguồn cội chúng ta ở đâu ? Đó là Thiên Chúa, « cội nguồn của mọi danh phận làm cha trên trời dưới đất » (Ep, 3, 15). Như vậy, đối với người Kitô hữu, ý nghĩa của việc tưởng nhớ luôn được xác định trong tương quan với Thiên Chúa. Chúa đã ban Tin Mừng cho Vân Đõa và An Sơn qua các nhà thừa sai, và cha ông chúng ta đã lãnh nhận và truyền lại. Sách tiên tri Giôen dạy : « Hãy kể lại chuyện này cho con cái các ngươi, con cái các ngươi kể cho con cái chúng nó, con cái chúng nó kể cho dòng dõi tiếp theo » (Ge 1,3). Tin Mừng ấy không chỉ được kể lại, hoài niệm suông, nhưng được bảo toàn, gìn giữ, và đổ máu để tuyên xưng.

Hơn nữa, nhớ là nhớ về những kỳ công của Chúa như lời dạy của Thánh vịnh 104 « Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm ». Biết bao điều lạ lùng Chúa đã làm cho Vân Đõa và An Sơn !

Hồng ân ấy quá lớn, biết lấy chi « đền đáp cho cân » ? Chúng ta hãy mang ơn ấy mãi mãi, chứ không phải là tìm cách trả ơn, trả một lần cho xong. Mang ơn ấy mãi mãi, nghĩa là tạ ơn Chúa một cách liên lỉ, nhờ vào Hy Tế Tạ Ơn của Chúa Giêsu Kitô. « Chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con. Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con. » (Kinh Tiền Tụng Chung IV). Thật kỳ lạ : việc tạ ơn Chúa cũng là một ơn Chúa ban, đó là một hồng ân đem lại ơn cứu độ. Và khi tham dự vào Hy Tế Tạ Ơn của Đức Kitô, thì tưởng niệm và tạ ơn dẫn đưa chúng ta vào hiện tại.

2/ Hiện tại – Hiệp thông

« Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta » : đó là lệnh truyền của Chúa. « Nhớ đến Ta » : đây không phải là nhớ về một kỷ niệm, hoặc về một quá khứ đã trôi qua không dính dáng gì đến hiện tại. Biến cố được tưởng niệm giờ đây được tái diễn, được hiện tại hóa trên bàn thờ. Và có thể nói rằng việc “hiện tại hóa” không chỉ diễn ra trên bàn thờ mà còn ở thư đài (giảng đài) nữa : cả Phụng Vụ Thánh Thể lẫn Phụng Vụ Lời Chúa.

Nói cách nôm na bình dân, nghĩa của cử hành « tưởng niệm » ở đây khác với những gì người ta vẫn làm trong một cuộc kỷ niệm, hoặc một …đám giỗ. Cũng giỗ là dịp một năm, năm năm, mười năm… người sống tưởng nhớ về người đã qua đời. Thánh lễ không phải như thế ! Thánh lễ là hy tế đồi Calvê được hiện tại hóa, bây giờ và ở đây. Chúa là tác giả của những gì đang được cử hành. Cử hành này không chỉ khác với những tưởng niệm như vừa nói, nhưng còn vượt hẳn bữa tiệc thiêng liêng của Israel : vì Kitô hữu hiệp thông vào Mình và Máu của Đức Kitô để sống hiệp nhất với nhau như thánh Phaolô dạy trong thư Côrintô[9]. Chúng ta không chỉ quy tụ với nhau, nhưng được dự phần vào Thân Thể của Đức Kitô, đó là sự hiệp thông cao nhất.

 

Như vừa nói, Đấng được nhớ đến cũng chính là Đấng đang hiện diện ở đây và lúc này. Đức Kitô hiện diện ở cả hai Bàn Tiệc : Bàn Tiệc Lời Chúa và Bàn Tiệc Thánh Thể. Linh mục dâng thánh lễ với tư cách in persona Christi. Những gì linh mục nói và làm khi truyền phép, đó là chính Chúa nói và làm. Chúa hiện diện đó, trong con người linh mục. Vì Đức Kitô hiện diện ở đó, nên khi nói rằng đó là hy tế của Đức Kitô, thì không được hiểu rằng Chúa Kitô là « người đã khuất ». Ngài tuyệt đối không phải là người đã mất, càng không phải là người cần hương hoa, bánh trái…như chúng ta vẫn hiểu trong việc thờ cúng nơi lương dân.

Không phải như thế ! Chính Đức Kitô đang nuôi dưỡng chúng ta bằng Mình Máu của Ngài và bằng Lời của Ngài, chứ không phải ngược lại. Ngài đã chết và đã phục sinh để hiện diện ở đây và lúc này. Vì thế, ý nghĩa của câu “Ngôi Lời đã hóa thành Nhục Thể” cũng được vang lên cách hết sức đặc biệt trong cử hành Thánh lễ ! Lời : chúng ta nghe Lời Chúa & bài giảng, Nhục Thể : đây là Mình Máu Chúa trên bàn tiệc Thánh Thể. Chính Chúa dạy, và chính Chúa nuôi  dưỡng chúng ta. Sống ở đây, chúng ta được mời gọi tham dự Thánh lễ, để cho Đức Kitô dưỡng nuôi trong hiện tại và dự phần trước vào sự sống đời đời. Hiểu như thế, chúng ta thấy ngay rằng : hiệp thông trong hiện tại cũng là để hướng về tương lai.

3/ Tương lai – Hy vọng

Từ hiện tại, niềm hy vọng giúp chúng ta bước vào tương lai, như thánh Phaolô đã dạy trong thư Rôma mà Đức Thánh Cha đã trích lại trong số 2 của Sắc Chỉ : “Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa. […] Niềm hy vọng này không làm cho chúng ta phải thất vọng” (Rm 5,1-2.5).

Chúng ta lại đang ở trong mùa Vọng : ý nghĩa của tương lai, của những gì được chúng ta chờ đợi lại vang lên cách hết sức đặc biệt hơn nữa !

Trong ba nhân đức đối thần, thì đức Cậy (đức Hy Vọng) hướng chúng ta về tương lai. Niềm hy vọng ‘‘định hướng, hoặc vạch ra phương hướng và mục tiêu cho đời sống của người tín hữu” (Sắc chỉ, số 18). Ngay ở đời này, chúng ta đã dự phần vào tương lai ấy, và tiền nhân của chúng ta, những vị thánh tử đạo ở Vân Đõa đã làm chứng về đời sống ấy. Đức Thánh Cha nhắc chúng ta rằng nhờ lòng tin kiên vững vào Chúa Kitô phục sinh, thời nào cũng có các vị tử đạo tuyên xưng rằng sự sống không hề chấm dứt (x. Sắc chỉ, số 20).

Như đã nói ở trên, chủ đề “Những người hành hương của hy vọng” trong Sắc Chỉ công bố Năm Thánh của Đức Thánh Cha cung cấp cho chúng ta một ánh sáng để suy niệm về hành trình 4 thế kỷ của Vân Đõa và An Sơn. Sự trùng hợp của Năm kỷ niệm mừng 400 năm lãnh nhận Tin Mừng của hai giáo xứ với Năm thánh của Giáo Hội hoàn vũ có một ý nghĩa đặc biệt ở đây. ĐTC nói với chúng ta : hãy là « những người hành hương của hy vọng ». Ngài dạy chúng ta rằng « hành hương là yếu tố cơ bản của mọi sự kiện Năm thánh. Lên đường là đặc điểm của người đi tìm ý nghĩa của cuộc sống” (Sắc chỉ, số 5). Trong cuộc hành hương này, chúng ta tiến về tương lai, mà đích điểm là Quê Trời. Cuộc hành hương nào cũng gồm nhiều chặng, trước hết là không gian địa lý : Trà Kiệu, La Vang, Núi Cúi, Tà Pao…Và đừng quên rằng từ nhà mình đến nhà thờ giáo xứ, đó cũng là một chặng rất quan trọng.

Nhưng ngoài những chặng dừng chân địa lý, đừng quên những mốc thời gian. Cuộc hành hương của giáo xứ Vân Đõa và An Sơn đã bắt đầu cách đây 400 năm. Tiền nhân chúng ta đã đi qua 4 thế kỷ, chúng ta đang đi trong hiện tại, và sẽ còn đi tiếp để hướng về tương lai. Lộ trình đức tin này nối kết các thế hệ. Mỗi thế hệ có một chặng cho riêng mình. Dừng lại là bỏ cuộc. Lộ trình ấy đòi chúng ta phải kiên nhẫn. Và những khoảnh khắc mạnh như dịp kỷ niệm này được ĐGH nói rất rõ : « từ mối liên hệ giữa niềm hy vọng và sự kiên nhẫn, có thể thấy rõ rằng đời sống Kitô hữu là một con đường cần những khoảnh khắc mạnh mẽ để nuôi dưỡng và củng cố niềm hy vọng” (Sắc chỉ, số 5)

Cuộc cử hành hôm nay là một khoảnh khắc mạnh, nhưng không là điểm kết thúc. Một lần nữa, chúng ta thấy cách hết sức cụ thể ở đây rằng cả ba chiều kích quá khứ-hiện tại-tương lai đều gặp nhau trong trung tâm của mọi cử hành : THÁNH LỄ TẠ ƠN. Đó là khoảnh khắc mạnh nhất ! Vân Đõa và An Sơn sẽ được mời gọi để không chỉ nối dài khoảnh khắc ấy, nhưng còn là để khoảnh khắc ấy lặp đi lặp lại trong đời sống cá nhân, gia đình và cộng đoàn nữa.

III. LỜI KẾT : chờ đợi và hy vọng

Trong lời mở đầu chúng ta đã nói đến hai nhịp : tìm thêm thông tin và dữ liệu lịch sử, nhưng nhất là tìm hiểu ý nghĩa để sống. Nhịp thứ nhất, chúng ta chờ câu trả lời chính xác về mốc 400 năm từ những tài liệu khác của Văn khố nhà MEP. Và một sự chờ đợi khác, được nâng lên hàng nhân đức, nhân đức đối thần : đức Cậy, cũng có tên là Niềm Hy Vọng. Với đức Tin và đức Mến, chúng ta sống đức Cậy cách trọn vẹn hơn.

Và Chúa cũng chờ chúng ta, và những bậc tiền nhân cũng chờ chúng ta. Chúng ta sẽ sống thế nào trong những ngày đến, sau những cử hành này ?

Như thế, điều quan trọng nhất vẫn không phải là con số chính xác 400 năm. Có thể đó là 395 năm hoặc 405 năm. Nhưng, bằng việc tưởng nhớ, kỷ niệm dấu mốc 4 thế kỷ, chúng ta kéo quá khứ vào hiện tại và rồi vào tương lai như thế nào. Chỉ có tưởng niệm trung thành về quá khứ mới có thể bảo đảm hướng đi tốt đẹp cho tương lai. Và khi chúng ta làm theo lời Chúa truyền « Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy », thì ý nghĩa càng tăng bội.

Nếu tổ chức rình rang, kể chuyện suông mà không sống đạo, không kinh nguyện, không tham dự thánh lễ, không để cho Chúa hiện tại hóa, hiện diện trong mình, thì nói cho cùng, chúng ta tổ chức kỷ niệm 400 năm như các kỷ niệm khác, như một đám giỗ của các tiền nhân, hoặc tệ hơn, đám giỗ của … Chúa !

Không ! Hãy để cho quá khứ, tương lai, được gặp nhau trong cuộc cử hành này. Chúng ta tiếp tục cuộc hành trình ấy như là một cuộc hành hương. Trung tâm của cuộc hành hương ấy là THÁNH LỄ – HY TẾ TẠ ƠN được cử hành mỗi ngày.

Lm Phêrô Phan Tấn Khánh

[1] Có thể xem nhiều nguồn, ví dụ như https://giaophandalat.com/van-de-cung-bai-to-tien-o-viet-nam-chu-thich-4-4.html, cước chú số 41.

[2] Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần sinh năm 1620, kế vị chúa Nguyễn Phúc Lan 1648, và giữ ngôi cho đến 1687.

[3] Quảng Nam qua các thời kỳ (Ban Tu thư của Đà Nẵng, 1973), tái bản, nxb Đà Nẵng, 2021.

[4] Thế thứ các triều vua Việt Nam, Nxb Giáo Dục, 2008, trang 14-15.

[5] Việt Nam sử lược, Trung Bắc Tân Văn xuất bản, Hà Nội, 1920, p. 14.

[6] Hỏi gì đáp nấy, tập 19, NXB Trẻ, 2010, trang 41.

[7] Cha Phêrô Nguyễn Thanh Tùng là giáo sư môn Lịch sử Giáo Hội của Học Viện Công Giáo, nhiều Đại Chủng Viện và các Học Viện khác, tác giả của nhiều sách về lịch sử GHCGVN, và là người đang lưu giữ nhiều tài liệu về lịch sử GH Việt Nam.

[8] Câu đầy đủ là « Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hỉ » (Luận Ngữ, thiên « Vi chính », được đánh số là chương II, câu 11), tức ôn chuyện xưa cũ mà biết được chuyện mới của hôm nay, thì có thể làm thầy vậy.

[9] Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể (1Cr 10, 16-17).