Vị Linh Mục Chăm Sóc Mộ Thánh Của Chúa
Valdemar de Vaux
WGPSG (29.11.2022) – Vương cung thánh đường Mộ Thánh tại Giêrusalem đã được xây dựng để tôn kính ngôi mộ trống của Chúa Kitô ở đúng nơi Chúa đã từng được chôn cất. Cha Stéphane, có mặt tại Đất Thánh từ 30 năm nay, là cha bề trên mới của các tu sĩ dòng Phanxicô đang chăm sóc Vương cung thánh đường này nhân danh Đức Giáo hoàng. Ta hãy cùng gặp gỡ vị linh mục này nhé!
“Lui tới mộ Chúa hằng ngày – đó là trải nghiệm về sự trống rỗng của ngôi mộ vào mỗi buổi sáng!” Cha Stéphane thốt lên. Vị “chủ tịch” mới của Mộ Thánh yêu thích nơi này đến nỗi có thể nói về điều đó hàng giờ. Khi người ta nói với ngài rằng, từ ngữ “chủ tịch” nghe thật lạ tai đối với một tu sĩ Phanxicô, ngài mới giải thích rằng cộng đoàn các cha – mà ngài điều hành chăm sóc ngôi mộ của Đấng Kitô – thì trực thuộc vị cai quản Đất Thánh, là bề trên của tất cả các tu sĩ Phanxicô trong vùng.
Từ năm 1342 thời Đức Giáo hoàng Clément 6, các tu sĩ Phanxicô đã được giao nhiệm vụ đại diện Giáo hội Công giáo Rôma phụ trách các nơi thánh. Trên thực tế, đây chính là những tu sĩ phương Tây duy nhất được nhà cầm quyền Hồi giáo cho phép có mặt tại Đất Thánh trong nhiều thế kỷ dài, nhất là tại Mộ Thánh, nơi các tu sĩ Phanxicô đã sống liên tục từ năm 1309. Đảm nhận sứ vụ mới mẻ này từ cuối tháng Tám, cha Stéphane ghi nhận rằng gần 14 thế kỷ trước đã là như thế và ngài mong muốn “tiếp bước cũng như vậy cùng với những người theo sau ngài, không có gì mới cả.”
Mộ Thánh, một chọn lựa triệt để
Tuy nhiên cuộc sống ở Mộ Thánh thì không chỉ giống như trước đây. Từ tháng Ba 2022, một phần ba diện tích Vương cung thánh đường này đã phải đưa vào công trình phục hồi mặt sàn nghĩa là làm lại toàn bộ phần đá lát sàn. Bản thân tu viện Phanxicô cũng phải được sửa sang lại để 10 cha đang ở đó có thể sống trong điều kiện khá hơn, vì sự xuống cấp không còn xa!
Cùng lúc ấy, các tu sĩ Phanxicô cũng “vui mừng” khi lại được đón rất nhiều khách hành hương đến ngắm nhìn Anastasis. Từ này, trong tiếng Hy lạp có nghĩa là “phục sinh”, gói ghém ý nghĩa lời cầu nguyện ở một nơi đáng tôn kính như thế đối với mọi Kitô hữu. Trải nghiệm về ngôi mộ trống đòi hỏi các tín hữu phải triệt để lựa chọn: Tôi có tin, hay không tin, rằng Chúa Kitô không còn ở đó nữa, bởi vì Người đã sống lại mãi mãi? Cha Stéphane đã nhắc đến Maria Mađalêna: “Trải nghiệm của bà thúc đẩy người ta công nhận sự phục sinh, ở đây thì lễ Phục Sinh là thường trực.”
Ít nhất là từ năm 1336, các thầy đã đi qua và cầu nguyện ở tất cả các nhà nguyện tại Mộ Thánh, để hiện tại hóa các mầu nhiệm đức tin.
Và để không ngừng làm hiển hiện cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, không gì có thể hơn được phụng vụ. Bị người Thổ Nhĩ Kỳ cầm giữ trong Vương cung thánh đường này hàng thế kỷ, các tu sĩ Phanxicô đã thực hiện các cuộc rước kiệu hằng ngày tại đây.
Ít nhất là từ năm 1336, các thầy đã đi rước kiệu và cầu nguyện ở tất cả các nhà nguyện tại Mộ Thánh, để hiện tại hóa các mầu nhiệm đức tin: đi rước kiệu từ “nhà tù của Đấng Kitô” đến “nhà nguyện Thánh Giá”, từ “cây cột chịu đánh đòn” đến “đồi Canvê”, và chấm dứt tại mộ Chúa rồi đến trước Thánh Thể – sự hiện diện sinh động của Đấng Cứu Thế.
Chính cuộc sống theo phụng vụ – làm nên luận điểm cho cuộc rước kiệu này – đã dẫn lối cho người con Stéphane Milovitch đất Auvergne này đến với dòng Phanxicô. Đã từng ước ao theo Chúa trong đời tu, ngài tình nguyện đến với các sơ ở Thành cổ Giêrusalem. Ở đó, ước mơ đã thành sự thật. Từ 30 năm nay, tu sĩ người Pháp này đã là cư dân Giêrusalem, kể cả khi sứ vụ của ngài cũng dẫn ngài đến Bêlem.
Một phòng thí nghiệm cụ thể về đại kết
Tại Thành thánh, nơi có đại diện của khoảng 50 quốc gia, cha Stéphane được coi là thầy tu hơn là người Pháp, đặc biệt là khi suốt cả ngày dài, ngài cầu nguyện bên ngôi mộ trống.
Phụng vụ Các Giờ Kinh – ngâm nga trong ngày sống, giữa giờ Kinh Sáng và giờ Kinh Tối, cùng với các Thánh lễ nữa, 15 lễ mỗi ngày theo nghi thức La Tinh – là dịp để dâng lên Thiên Chúa, nhân danh Giáo Hội Công giáo, “lời cầu nguyện của tất cả mọi người, người Do thái giáo, người Hồi giáo”. Và các giáo phái Kitô khác nữa.
Mộ Thánh đúng là một phòng thí nghiệm rất cụ thể cho tinh thần đại kết, được mời gọi như Giêrusalem là một “nơi của hiệp thông”. Sáu cộng đoàn, đặc biệt là cộng đoàn Tông Đồ Armêni và Chính thống Hy Lạp, sống chung hòa bình với các tu sĩ La tinh dòng Phanxicô, để cùng nhau gìn giữ mộ thánh. “Các cộng đoàn này khác nhau về ngôn ngữ, văn hóa, phụng vụ” nhưng lại sống trong cùng “niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh”. Giống như những thành viên trong cùng một gia đình có thể tranh cãi với nhau, ở đây chắc chắn cũng có những chủ đề gây căng thẳng. Nhưng Giêrusalem là nơi duy nhất mà “người ta sống thật với con người mình, sống có văn hóa và nhân văn với nhau.”
Rõ ràng, cha Stéphane là một tu sĩ dòng Phanxicô. Sống ở mảnh đất, nơi con cái của thánh Phanxicô Assisi cắm rễ rất sâu, lại phù hợp với niềm ước ao sâu thẳm của vị thánh nghèo, khi thánh nhân đến Damiette để tranh luận với vị sultan Hồi giáo rằng: phải có một “cái nhìn theo chiều ngang” về thế giới, phải “cởi mở với mọi người”, mọi người đều được “Chúa Kitô cứu độ”. Ngôi mộ trống ở nhà thờ Mộ Thánh là chứng nhân sống động không thể chối cãi của điều đó.
Lê Hưng (TGPSG)
Chuyển ngữ từ: fr.aleteia.org (19.11.2022)
Nguồn: tgpsaigon.net