Video: Đức Cha Nguyễn Chí Linh trong số 36 TGM nhận dây Pallium – Ý nghĩa của dây này.
Sáng thứ Ba 27 tháng 6, Tòa Thánh đã công bố danh sách 36 vị Tổng Giám Mục sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô trao dây Pallium trong thánh lễ kính hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô tại quảng trường Thánh Phêrô vào lúc 9:30 sáng thứ Năm 29 tháng 6.
Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam hân hạnh có Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh trong số các vị sẽ được trao dây Pallium.
Tưởng cũng nên nhắc lại là ngày 29 tháng 10 năm ngoái 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục Huế thay cho Đức Cha Lê Văn Hồng.
Trước đó vào đầu tháng 10, 2016, ngài được bầu làm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, nhiệm kỳ 2016-2019, kế nhiệm Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc.
Trong danh sách 36 vị Tổng Giám Mục trên thế giới sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô trao dây Pallium, đông nhất là Ba Tây với 5 vị, rồi đến Hoa Kỳ 3 vị, Ba Lan và Phi Luật Tân 2 vị.
Dây Pallium là gì? và ý nghĩa của dây này theo lời giải thích của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 sẽ được gởi đến quý vị và anh chị em sau đây qua lời thuyết minh của Thụy Khanh.
Thể thức trao dây Pallium
Trước đây việc trao dây Pallium diễn ra như sau: sau khi Đức Thánh Cha làm phép các dây Pallium, các vị Tổng Giám Mục tiến đến quỳ trước mặt ngài và Đức Thánh Cha sẽ choàng dây lên vai vị Tổng Giám Mục.
Tháng Giêng năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định rằng buổi lễ trao dây Pallium chính thức cho các Tổng Giám Mục Chính Tòa từ nay trở đi sẽ diễn ra tại các giáo phận của vị Tổng Giám Mục chứ không phải ở Vatican như trước.
Sau khi dây Pallium được làm phép, cuối thánh lễ ngày hôm nay, Đức Thánh Cha sẽ trao tận tay dây Pallium cho các vị Tổng Giám Mục nhưng có tính cách cá nhân hơn.
Sứ thần Tòa Thánh hay Khâm Sứ Tòa Thánh sẽ bàn thảo với vị Tổng Giám Mục ngày giờ và, hoàn cảnh hợp lý nhất để “công khai và chính thức” trao dây Pallium cho ngài nhân danh Đức Thánh Cha với sự tham dự của các giám mục trong các giáo phận thuộc về giáo tỉnh; và cộng đoàn tín hữu địa phương.
Trong đoạn video này quý vị và anh chị em có thể thấy Đức Tổng Giám Mục Adolfo Tito Yllana, người Phi Luật Tân, là Sứ Thần Tòa Thánh tại Úc Đại Lợi đang trao dây Pallium cho Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của tổng giáo phận Sydney hôm 25 tháng Bẩy 2015.
Đức Thánh Cha tin rằng theo cách này, buổi lễ “sẽ giúp ích rất nhiều cho sự tham gia của Giáo Hội địa phương vào một khoảnh khắc quan trọng trong cuộc sống và lịch sử của cộng đoàn Công Giáo địa phương.” Đức ông Guido Marini, Chưởng Nghi các nghi lễ Phụng Vụ Giáo Hoàng đã cho biết như trên hôm 12 tháng Giêng trong một bức thư gửi đến các sứ thần Tòa Thánh ở các quốc gia nơi có các Tổng Giám Mục Chính Tòa được dự kiến sẽ nhận được dây pallium từ Đức Giáo Hoàng tại Vatican vào ngày 29 tháng 6, ngày lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô.
Hơn nữa, ngài nói, Đức Thánh Cha Phanxicô tin rằng phong tục mới này có thể giúp thúc đẩy “cuộc hành trình đề cao tính đồng đoàn trong Giáo Hội Công Giáo, mà từ khi bắt đầu triều đại của ngài, Đức Phanxicô đã không ngừng nhấn mạnh rằng tính chất này là đặc biệt cần thiết một cách cấp bách và quý báu vào thời điểm lịch sử này của Giáo Hội”
Cha của Marini viết: “Dây Pallium tượng trưng cho những mối liên hệ của sự hiệp thông phẩm trật giữa Ngai Tòa Phêrô, Người kế nhiệm Thánh Tông Đồ và những người được chọn gánh vác sứ vụ giám mục trong tư cách là Tổng Giám Mục của một Giáo Tỉnh. Nó cũng là biểu tượng cho thẩm quyền của Tổng Giám Mục Chính Tòa trong chính giáo phận của ngài và các giáo phận khác trong giáo tỉnh.
Lịch sử dây Pallium
Theo sử gia Tertullian, dây Pallium được sử dụng trễ nhất là vào năm 220 sau Chúa Giáng Sinh; khi cuốn Liber Pontificalis ghi nhận rằng Đức Giáo Hoàng Marcus đã cho phép Đức Giám Mục thành Ostia đeo dây Pallium vì ngài chủ tọa lễ đăng quang Giáo Hoàng. Đến thế kỷ thứ 8, truyền thống các Tổng Giám Mục Chính Tòa đeo dây Pallium bắt đầu thịnh hành.
Cấu trúc và hình dạng dây Pallium thay đổi theo thời gian. Dây Pallium ngày nay có hình thể như chữ Y, phía trên quấn thành hình tròn choàng qua hai bên vai, và có hai giải thả xuống phía trước ngực và phía sau lưng. Chiều ngang rộng bằng 3 đốt ngón tay. Trên dây Pallium có thêu 6 hình Thánh gía mầu đen, hai thánh giá ở hai bên vai, 2 thánh giá trước ngực và 2 thánh giá sau lưng.
Việc thực hiện dây Pallium hàng năm
Vào ngày lễ Thánh Nữ Agnes, tức là ngày 21 tháng Giêng hàng năm, chiên con được Đức Giáo Hoàng thánh hiến. Lông các con chiên được thánh hiến này được đưa về nhà Dòng kín Santa Cecilia bên Ý để dệt thành dây Pallium.
Chiều trước ngày lễ kính hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, những chiếc dây Pallium này được đưa đến bàn thờ trước mộ Thánh Phêro nằm bên dưới bàn thờ chính của đền thờ Thánh Phêrô tại Vatican và được giữ cẩn thận trong hộp ngay sát cạnh di tích Xương Thánh của Thánh Phêrô. Như thế dây Pallium được đụng chạm với di tích Xương Thánh của vị Tông Đồ.
Ý nghĩa thần học của dây Pallium
Dây Pallium được Đức Giáo Hoàng, các vị Tổng Giám Mục Chính Tòa và Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ La Tinh tại Giêrusalem mang trên vai; có một ý nghĩa thần học sâu xa đã được Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 giải thích trong lễ đăng quang Giáo Hoàng của ngài hôm 24/05/2015. Ngài nói:
“Biểu tượng của dây Pallium còn cụ thể hơn nữa: len chiên nhằm tiêu biểu cho những con chiên lạc lối, yếu đau mà vị mục tử vác lên vai ngài và đem đến những nguồn nước sự sống. Đối với các Nghị Phụ của Giáo Hội, dụ ngôn con chiên đi lạc mà vị mục tử tìm kiếm trong sa mạc, là một hình ảnh của mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội. Nhân loại – nghĩa là mỗi một người trong chúng ta – là con chiên lạc trong sa mạc không còn biết lối về. Con Thiên Chúa không thể để điều này xảy ra; Ngài không thể bỏ mặc con người trong điều kiện thê thảm như vậy. Ngài nhảy trên đôi chân mình và từ bỏ vinh quang thiên quốc để tìm kiếm con chiên này và theo nó đến tận cùng của Thánh Giá. Ngài mang nó lên vai và gách vác nhân loại; Ngài gách vác tất cả chúng ta – Ngài là mục tử nhân lành đã thí mạng vì đàn chiên. Điều mà dây Pallium này chỉ ra đầu tiên và trên hết là tất cả chúng ta được gánh vác bởi Đức Kitô. Nhưng đồng thời nó cũng mời gọi chúng ta gánh vác lẫn nhau.”
“Người mục tử phải được linh hứng bởi lòng nhiệt thành thánh thiện của Đức Kitô: không thể có chuyện người mục tử thờ ơ trước cảnh quá nhiều người đang sống trong sa mạc. Và có quá nhiều loại sa mạc. Có những sa mạc của nghèo đói, sa mạc của đói khát, sa mạc của bỏ rơi, của cô đơn, của tình yêu bị huỷ diệt. Có những sa mạc của đêm đen Thiên Chúa, sự trống rỗng của các linh hồn không còn nhận thức được phẩm giá và mục đích đời người. Những sa mạc bên ngoài thế giới đang lớn dần vì những sa mạc bên trong đã trở thành quá mênh mông.”
(Nguồn: Vietcatholic)