Video: Giáo Hội Năm Châu: 4 – 10/08/2015: Hoa Kỳ là nước cần được trừ quỷ nhất
1. Giáo Hội phát triển chiến dịch ngăn ngừa bạo lực và tội phạm.
Ðức Cha Gregorio Nicanor Penha Rodriquez, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục cộng hòa Dominicana, kêu gọi hoạt động ngăn ngừa nạn bạo lực và tội pham gia tăng trong nước.
Ðức Cha ghi nhận rằng chính quyền cũng đã có các hoạt động trong chiều hướng này, nhưng thưởng chỉ can thiệp sau khi tai nạn đã xảy ra.
Trái lại theo Ðức Cha, nếu chính quyền đưa ra các biện pháp phòng ngừa cụ thể với sự can thiệp của cảnh sát và quân đội, thì các tổ chức tội phạm sẽ không có đất hoạt động. Ðức Cha thấy cần phối hợp các chương trình và các hoạt động giáo dục người trẻ ngay trong các trường học, cóc nhóm, các đoàn thể, gia đình và xã hội dân sự, thì có thể tránh được điều dữ này.
Nhiều thành phần xã hội khác cũng đã xin chính quyền can thiệp để chặn đứng nạn tội phạm và bạo lực lan tràn và gia tăng trong nước, nhất là giữa giới trẻ. Ngày 26 tháng 7 năm 2015 tổng thông Cộng hoà Dominicana đã tham dự một đại hội quốc tế của tổ chức Hệ thống hội nhập Trung Mỹ, và trình bầy về nạn bạo lực và tội phạm ở Trung Mỹ, và yêu cầu các nước toàn vùng cùng nhau làm việc để đương đầu một cách hữu hiệu với các vấn đề bạo lực và bất an ninh.
2. Triển lãm: “Một phúc lành cho nhau: Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và dân tộc Do Thái”.
“Một phúc lành cho nhau: Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và dân tộc Do Thái” là chủ đề của cuộc triển lãm được khai mạc ngày thứ Tư 28 tháng 07 năm2 015 tại Vatican, và sẽ mở cửa đến ngày 17 tháng 09 năm 2015. Triển lãm này trước đây đã được trưng bày tại một số tiểu bang của Hoa Kỳ, và đã có hơn một triệu lượt khách đến xem. Cuộc triển lãm được thực hiện như một món quà sinh nhật cho Ðức giáo hoàng Gioan Phaolô II nhân dịp mừng sinh nhật thứ 85 của ngài, đã được khai trương tại Ðại học Xavier tại thành phố Cincinnati, Ohio, vào ngày 18 tháng 05 năm 2005, một tháng sau khi Ðức Gioan Phaolô II qua đời. Sau đó triển lãm được đưa đến Roma, và các nhà tổ chức cũng muốn triển lãm này có mặt tại thành phố Krakow của Ba Lan, nơi mà Ðức Hồng Y Karol Wojtyla từng là Tổng giám mục.
Tại Triển lãm “Một phúc lành cho nhau”, người xem sẽ được giới thiệu về các bước đi của Ðức Gioan Phaolô II đã thực hiện để cải thiện mối quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và dân tộc Do Thái, về Tuyên ngôn Nostra Aetate của Công đồng Vatican II, ban hành năm mươi năm trước đây; trong Tuyên ngôn này Giáo Hội Công Giáo thể hiện sự trân trọng đối với các tôn giáo khác và tái khẳng định những nguyên tắc của tình huynh đệ phổ quát, tình yêu và không phân biệt đối xử.
Triển lãm được tài trợ bởi nhiều trường đại học, các cá nhân và các cơ quan vốn nhìn nhận rằng đối thoại liên tôn là nguồn tiến bộ của nhân loại. Triển lãm thuật lại những mối tương quan giữa Ðức giáo hoàng Gioan Phaolô II và những người mà trong chuyến viếng thăm lịch sử đến Ðại Hội đường Do Thái ở Roma vào ngày 13 tháng 04 năm 1986, ngài đã gọi là “những người anh của chúng tôi”.
Triển lãm chia thành bốn phần với nhiều hình ảnh, âm thanh, video và các nguồn tương tác khác.
Phần đầu trình bày những năm đầu đời của Karol Wojtyla tại nơi sinh ra của ngài là Wadowice, tình bạn suốt đời của ngài với người bạn trẻ Do Thái Jerzy Kluger, và những mối quan hệ giữa người Công Giáo và người Do Thái tại Ba Lan trong thập niên từ năm 1920 đến năm 1930.
Phần thứ hai trình bày những năm Ðức giáo hoàng theo học đại học ở Krakow, và công việc của ngài ở gần những người bạn sống trong Ghetto, là những người nếm trải những kinh hoàng của nạn diệt chủng Shoah.
Phần thứ ba trình bày đời sống linh mục và giám mục của ngài, Công đồng Vatican II và sự chuyển hướng mà Công đồng thể hiện trong quan hệ giữa người Do Thái và Kitô hữu, và mối liên kết chặt chẽ giữa vị Hồng Y Tổng giám mục Krakow với cộng đồng Do Thái ở Tổng giáo phận của ngài.
Phần cuối trình bày khuôn mặt của Karol Wojtyla như người Kế vị Thánh Phêrô, chuyến viếng thăm của ngài tới Hội đường Roma, và chuyến viếng thăm Israel năm 2000 – dịp đó ngài đã để lại một lời cầu nguyện tại Bức tường Than khóc, xin Chúa tha thứ cho cách đối xử với người Do Thái trong quá khứ và tái khẳng định Giáo Hội cam kết tiếp tục bước theo con đường huynh đệ với Dân Giao Ước.
Khách tham quan triển lãm “Một phúc lành cho nhau sẽ được mời viết một lời cầu nguyện và đặt vào một phiên bản của Bức tường Than khóc. Các lời nguyện này sau đó sẽ được gom lại và đưa đến Bức tường Than khóc tại thành cổ Jerusalem.
3. Hai thanh niên Do Thái đốt nhà thờ Hoá Bánh và Cá ra nhiều bị ra hầu tòa
Một tòa án Israel đã truy tố hai thanh niên cực đoan Do Thái vì các cuộc tấn công đốt phá một nhà thờ Công Giáo cổ đại.
Hôm 18 tháng 6, nhà thờ Hoá Bánh và Cá ra nhiều trên bờ biển Galilê đã bị đốt phá gây hư hại nghiêm trọng. Các kẻ đốt nhà thờ còn viết nguệch ngoạc những khẩu hiệu trên tường cho rằng người Công Giáo thờ cúng ngẫu tượng.
Hai thanh niên Yinon Reuveni và Yehud Asraf, đã bị truy tố về các tội ác này. Các công tố viên nhận xét rằng động lực đằng sau các cuộc tấn công này là niềm tin của họ theo đó các Kitô hữu là những người tôn thờ ngẫu tượng.
Vụ phá hoại tại nhà thờ Tabgha là vụ mới nhất trong một loạt các cuộc tấn công vào các nơi thờ phượng Công Giáo ở Israel, trong đó có các mục tiêu quan trọng như nhà thờ Truyền tin tại Nazareth và một nhà thờ gần Nhà Tiệc Ly ở Giêrusalem.
4. Lịch trình các buổi cử hành Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót tại Rôma và trên thế giới
Sáng ngày 30 tháng 7 năm 2015 Tòa Thánh đã công bố lịch trình các buổi cử hành Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót.
Những biến cố chính gồm có:
– Mùng 8 tháng 12 năm 2015 Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự lễ mở cửa Năm Thánh đền thờ thánh Phêrô.
– Ngày 13 tháng 12 năm 2015 lễ mở cửa Năm Thánh đền thờ thánh Gioan Laterano, đền thờ thánh Phaolô ngoại thành và các nhà thờ chính tòa trên toàn thế giới.
– Mùng 2 tháng 2 năm 2016 ngày cho những người sống đời thánh hiến và kết thúc Năm Ðời Thánh Hiến.
– Mùng 10 tháng 2 năm 2016 lễ nghi gửi các Thừa Sai của Lòng Thương Xót trong đền thờ thánh Phêrô.
– Ngày mùng 4-5 tháng 3 năm 2016: “24 giờ cho Chúa” với lễ nghi sám hối tại đền thờ thánh Phêrô.
– Ngày 13 tháng 11 năm 2016 lễ đóng cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót tại các đền thờ Roma và trong các giáo phận trên thế giới.
– Ngày 20 tháng 11 năm 2016 lễ đóng cửa Năm Thánh tại đền thờ thánh Phêrô kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót.
5. Một linh mục Ý trừ qủy từ trực thăng
Ngày 31 tháng Bẩy vừa qua ở 5-, một thị trấn vùng biển của Ý, một linh mục đã dùng trực thăng để trừ quỉ cho cả thị trấn.
Nhận thấy thị trấn này chịu nhiều ảnh hưởng tai hại khiến ngày càng đi xuống không những về tinh thần mà còn cả về kinh tế, nên một nhóm giáo dân đã yêu cầu vị linh mục thực hiện hành vi này.
Nhóm giáo dân trên cho rằng: “Nếu Satan hiện hữu, thì chắc nó đã kiểm soát được Castellammare di Stabia. Không còn cách nào khác hơn là xin trừ quỉ cho thị trấn”. Thế là việc trừ quỉ bằng trực thăng đã được thực hiện từ ngày 9 tháng Bẩy vừa qua.
Họ cho biết: khu vực này từ lâu vốn đã bị tác hại bởi bạo lực từ các nhóm tội ác có tổ chức, nhưng một loạt các vụ đánh cắp nhà thờ, phạm thánh mồ mả, lật ngược các thánh giá và liệng tượng Đức Mẹ xuống vực thẳm khiến họ tin rằng một điều gì đó tai hại hơn đang hoạt động đâu đây.
Họ tin rằng hành vi trừ quỉ này, song song với việc gia tăng lòng sùng kính nơi người địa phương, sẽ giúp xoay chuyển thị trấn hiện đang gặp suy thoái về tinh thần và kinh tế đã từ lâu nay.
6. Trừ quỷ cho cả một quốc gia
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Việc dùng trực thăng trừ quỷ trong bản tin trên là chuyện hi hữu. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên một vụ trừ quỉ được thực hiện cho cả một thị trấn hay thành phố, hoặc một quốc gia.
Hồi tháng Năm vừa qua, dân chúng ở Mễ Tây Cơ đã tụ tập nhau tham dự nghi thức trừ quỉ cho cả nước, được thực hiện âm thầm tại nhà thờ chính tòa San Luis Potosí do Đức Hồng Y Juan Sandoval Íñiguez, Tổng Giám Mục hưu trí của Guadalajara thực hiện.
Mức độ bạo lực cao, cũng như các tổ chức ma túy và phá thai trong nước, đã là động lực khiến có nghi thức trừ quỉ đặc biệt trên, mệnh danh là “Exorcismo Magno” (Cuộc Đại Trừ Quỉ). Nghi thức trừ quỉ vào ngày 20 tháng Năm này được coi là biến cố đầu tiên ở Mễ Tây Cơ.
Nhà nghiên cứu về ma quỉ và là nhà trừ quỉ người Tây Ban Nha, Cha José Antonio Fortea, có tham dự nghi thức trên. Ngài cho CNA hay: “vụ trừ quỉ tại San Luís Potosí là vụ trừ quỉ đầu tiên đã được thực hiện tại Mễ Tây Cơ trong đó các vị trừ quỉ xuất thân từ nhiều nơi khác nhau trong nước tụ tập nhau để trừ khử các quyền lực của bóng tối, không phải khỏi một người, mà là khỏi cả một đất nước”.
Ngài cũng nói tới việc cả một quốc gia bị khuấy nhiễu bởi ma quỉ ra sao, đến độ cần phải có một một vụ Exorcismo Magno. Ngài nói: “Tội lỗi ngày càng gia tăng trong nước, đến mức trở thành dễ dàng cho ma quỉ cám dỗ người ta”.
7. Hoa Kỳ là nước cần được trừ quỷ nhất
Michael Voris, một gương mặt phò sinh tại Hoa Kỳ phát biểu với 7ABC News trong cuộc biểu tình chống thờ phượng Satan tại Detroit hôm 25 tháng 7 rằng Hoa Kỳ sau biến cố Tối Cao Pháp Viện Mỹ buộc tất cả các tiểu bang phải công nhận hôn nhân đồng tính là quốc gia cần được trừ quỷ nhất trên thế giới.
Tưởng cũng nên nhắc lại là hôm 25 tháng 7, một hàng dài người đã xếp hàng trước tòa nhà Lauhoff Corporation ở số 241 Chene St, Detroit, nơi chuyên bán các máy chế biến thực phẩm để tham dự buổi ra mắt một tượng Satan hình người đầu thú nặng gần một tấn và cao 2.75m.
Phát ngôn viên cảnh sát Detroit, viện dẫn quyền tự do phát biểu ý kiến, đã cô lập một nhóm những người chống đối biến cố này sang bên kia đường để ngăn chặn những xô xát có thể xảy ra.
Một ngày sau biến cố này, Jex Blackmore nói trong chương trình truyền hình 7ABC là những người tham dự biến cố này phải mua vé trước với giá vé là 25 Mỹ kim một người. Sau khi vào trong tòa nhà, mỗi người được yêu cầu phải ký một giao kèo bán linh hồn cho quỷ Satan, nếu không thì rút lui.
Khi được hỏi có người nào từ chối không ký một giao kèo như thế không, Jex Blackmore nói: “Không, không một người nào rút lui”.
Jex Blackmore là phát ngôn viên quốc gia của nhóm thờ Satan mang tên Satanic Temple tuyên bố với báo chí là có từ 666 tới 700 người đã tình nguyện bán linh hồn cho Satan trong một biến cố được cô ta mô tả là lớn nhất trong lịch sử.
Cô ta cho biết thêm những người tham dự được yêu cầu cùng hát một bài ngợi ca, chúc tụng Satan trước khi bức màn che tượng Satan được vén lên.
Jex Blackmore tuyên bố rằng mình đã từng là tín hữu Tin Lành và nhắn với các Kitô hữu rằng “Đừng phí thời giờ cầu nguyện cho chúng tôi”.
Diễn biến này đang gây âu lo cho nhiều người.
8. Mễ Tây Cơ thiếu các linh mục trừ quỷ
Tại Hội Nghị Quốc Gia về Trừ Quỷ tổ chức tại văn phòng Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ vào cuối tháng Bẩy vừa qua, các linh mục cho biết Mễ Tây Cơ đang thiếu trầm trọng các linh mục trừ quỷ vì trung bình mỗi ngày có tới cả chục vụ trừ quỷ ám tại Mễ Tây Cơ và nhiều giáo phận có không quá một linh mục trừ quỷ.
Theo các nhà nghiên cứu, số vụ trừ quỷ ám đã gia tăng kể từ thập niên 1960. Trong khu vực các tỉnh quanh Mexico, có 8 linh mục được Tòa Thánh ban cho quyền thi hành các nghi thức trừ quỷ ám để trục xuất quỷ ra khỏi các nạn nhân theo các nghi thức và chuẩn mực của Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên, một số giáo phận không có linh mục chuyên trách về trừ quỷ.
Các linh mục cho biết khi một người bị quỷ ám thì cách thức người này hành động hay nói năng trở nên hung tợn hơn và có thể làm được nhiều việc sức người bình thường không thể làm được. Đó là một trong những yếu tố giúp phân biệt người bị quỷ ám và các trường hợp chấn thương tâm lý. Thông thường, “Các Đức Giám Mục gởi các chuyên gia tâm sinh lý và các bác sĩ đến chẩn đoán trước khi xác quyết một người có bị quỷ ám hay không”.
9. Phi Luật Tân cũng thiếu các linh mục trừ quỷ
Nhiều nước đã lên tiếng yêu cầu có nhiều nhà trừ quỉ hơn, trong đó có Phi Luật Tân. Theo Đài Phát Thanh Công Cộng Quốc Gia (NPR), Văn Phòng Trừ Quỉ Phi Luật Tân, do Cha Jose Francisco Syquia đứng đầu, đã bắt đầu hoạt động từ năm 2006 để giải quyết con số mỗi ngày một gia tăng.
Được huấn luyện ở Rôma, vị linh mục trên cho biết: ngài từng trừ quỉ cho người ta đã 12 năm nay và trong thập niên qua, ngài thấy con số người bị tai họa này càng ngày càng gia tăng. Trong năm nay chẳng hạn, đã có tới 200 vụ.
Hiện nay tại Phi Luật Tân chỉ có 5 nhà trừ quỉ phải xoay xở mọi vụ nói trên, nên gần đây, Cha Sequia đã viết thư cho hội đồng giám mục Phi yêu cầu mỗi giáo phận trong số 86 giáo phận của cả nước phải có một nhà trừ quỉ.
Đại đa số các giáo phận Phi Luật Tân “không có các vị trừ quỉ hay nhóm trừ quỉ để đương đầu với vụ việc. Nên nhiều người Phi có khuynh hướng chạy tới nhờ các thợ huyền bí, những người chúng tôi quen gọi là ông bà lang niềm tin, thầy bà thông linh (spiritists)…”
Linh mục trên cho rằng chính những người vừa kể trên đây đã làm gia tăng số người bị quỉ ám, bởi họ đã để mặc những người này “mở cửa tâm linh” cho ma quỉ bước vào.