Viết Cho Người Chủng Sinh Trẻ


Viết cho người Chủng sinh trẻ

Tâm Thành

Không viết điều gì mới lạ, không trình bày ý tưởng gì cao siêu, đôi dòng dưới đây chỉ là góp nhặt tản mạn của người đi gom kiến thức và kinh nghiệm, để chia sẻ cùng các Chủng sinh đang tu học tại Chủng viện. Người viết ý thức rằng: một giọt nước chẳng làm nên biển cả mênh mông; một chiếc lá chẳng làm thành cánh rừng xanh ngát; một vì sao trơ trọi chẳng đủ sức toả sáng cả trời đêm, nhưng dù là một chiếc lá mỏng manh, một vì sao trơ trọi, hay một giọt nước nhỏ nhoi, tất cả đều góp phần mình làm cho cuộc đời này thêm giá trị hơn, đáng sống hơn. Thao thức đơn sơ nhưng với tấm lòng thành, vài chia sẻ vắn gọn xin được đan dệt thành lời cầu nguyện, gửi tới các Chủng sinh – những người trẻ đang miệt mài trên hành trình tìm kiếm sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

TRUYỀN THỐNG HỌC TẬP

Không thể nói đến một Chủng viện mà không nói đến truyền thống học tập. Câu nói của Thánh Phêrô đã được các nhà thần học Trung Cổ coi là lời minh chứng cho một nền thần học được xây dựng hợp lý và khoa học: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai hỏi anh em về ‘nguyên lý’ (logos) của niềm hy vọng nơi anh em” (1Pr 3,15). Học tập để có thể đưa ra những câu trả lời thỏa đáng, là một trong những mục tiêu chủ yếu trong những năm tháng đào tạo ở Chủng viện. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II coi Đức tin và Lý trí như là đôi cánh giúp cho trí tuệ con người băng mình lên để chiêm niệm chân lý[1]. Thật vậy, nếu không có chiều kích này, Đức tin chẳng còn là đức tin nữa[2]. Vì lẽ đó tại Chủng viện, Chủng sinh được mời gọi tích cực và chủ động trong việc nghiên cứu, suy tư, khám phá, phản biện, thay vì lặp lại một cách máy móc những gì Giáo sư truyền đạt trên giảng đường, hay thụ động tiếp nhận những tư tưởng được trình bày trong sách vở. Bên cạnh đó, mỗi Chủng sinh được khuyến khích tìm ra cách tiếp cận mới với những lập trường riêng, dù vẫn luôn cởi mở, đón nhận những ý kiến từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau, nhất là mở lòng ra với tiếng nói của Huấn quyền. Các Chủng sinh hãy tận dụng thời gian để học hành một cách nghiêm túc, hầu làm giàu kiến thức cũng như hoàn thiện nhân cách của mình. Mỗi người cũng phải luôn ý thức rằng thời gian qua đi không bao giờ trở lại. Các bạn sẽ không có thì giờ để nuối tiếc quá khứ hay than phiền về tương lai, nhưng phải luôn chú tâm cho hiện tại là việc học tập, để sau này không một ai phải hối hận về những gì mình chưa cố gắng để làm, bao lâu còn có thể.

TÍNH TRUNG THỰC

Một điều vô cùng quan trọng trong việc tu học tại Chủng viện phải kể đến đó là tính trung thực. Ngày nay bên ngoài xã hội, sự giả dối lan tràn khắp nơi đến nỗi người ta chẳng phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Do đó, nền giáo dục Công giáo là nơi người ta đặt nhiều hy vọng vào cái gọi là sự chân thật, và Chủng viện được mệnh danh là trường dạy sự thật cho Chủng sinh. Vì lẽ đó, mỗi bài viết, mỗi bài nghiên cứu triết học hay thần học, dù ngắn dù dài, cũng phải do công sức của chính mình, chứ không phải copy từ internet, hay sao chép từ trong sách vở. Các Chủng sinh hãy vui lòng chấp nhận phải thi lại hơn là nộp cho Giáo sư một bài viết hay, tư tưởng phong phú, văn phong trau chuốt, mượt mà, nhưng không phải sản phẩm do mình làm ra. Công nghệ phần mềm ngày nay tân tiến thật, nhưng cũng không thể đong đếm được sự thiếu trung thực của bạn. Chẳng Giáo sư nào tinh anh để thấy hết được sự giả dối của các học trò. Mảnh bằng tốt nghiệp Chủng viện có được do thiếu trung thực, sẽ không phản ánh thực chất trình độ người Chủng sinh ấy. Sự thiếu trung thực có thể đem lại mối lợi trước mắt, nhưng chắc chắn chúng sẽ để lại hậu quả lớn lao sau này. Các Chủng sinh cũng đừng quên: sự ngu dốt của một bác sĩ có thể giết chết một bệnh nhân, nhưng sự thiếu trung thực của một Linh mục có thể giết chết nhiều thế hệ. Giáo hội sẽ đi về đâu nếu được xây dựng trên nền tảng của sự gian dối như vậy?

TRUYỀN THỐNG TÌNH BẠN

Các Chủng sinh hãy tạo ra truyền thống tình bạn nơi Chủng viện mình. Quả thế, Chủng viện là nơi quy tụ những con người từ nhiều vùng miền, với những nét văn hóa, phong cách, lối sống và suy nghĩ khác nhau. Người này tiếp xúc, trao đổi, học hỏi người kia, và ngược lại. Mỗi Chủng sinh hãy coi người anh em bên cạnh là tấm gương phản chiếu hình ảnh của mình. Đời sống chung trong Chủng viện chắc chắn có nhiều khó khăn, nhưng mỗi người hãy cố gắng sống bao dung và tha thứ, yêu thương và tôn trọng, cầu nguyện và khích lệ nhau, cùng nhau thăng tiến mỗi ngày. Mỗi Chủng sinh hãy tích cực xây dựng một tình bạn thân thiết và trong sáng, dẫu biết rằng nơi tình bạn ấy, có những khoảng cách cần phải giữ; có những điều tế nhị cần phải bảo vệ; có những sự tự chủ cần phải xây dựng và rèn luyện, nhưng trên hết, tình yêu thương chân thành là điểm tựa cho một tình bạn chân chính và lâu bền. Điều đó cũng có nghĩa là nơi đây không tồn tại sự ghen tị, chỉ trích, hiềm khích, đấu đá, tranh giành, nhưng thay vào đó là yêu thương, nhân ái và huynh đệ.

TUÂN GIỮ KỶ LUẬT

Chủng viện không phải là một quán trọ bên đường, do đó, các Chủng sinh không thể sống ở đây mà coi thường kỷ cương, luật phép. Các quy định trong Chủng viện không những là nguồn trợ lực vững vàng cho đời sống chung và thực thi đức ái, nhưng còn là yếu tố cần thiết cho việc đào tạo con người toàn diện, giúp Chủng sinh đạt được khả năng tự chủ, vươn đến tầm mức trưởng thành vững bền của nhân cách, rèn luyện những thái độ tinh thần cần thiết để hoạt động ổn định và hiệu quả cho Giáo hội[3]. Các Chủng sinh cần tôn trọng và yêu mến thời gian biểu đã được đề ra, trung thành trong các giờ thiêng liêng, giờ học hành, giờ ăn uống ngủ nghỉ, giờ thể dục thể thao, và các sinh hoạt khác… Những năm tháng ở Chủng viện, Chủng sinh không những phải huấn luyện mình để trở nên những con người trưởng thành về nhân bản, thăng tiến về tri thức, nhưng còn phải tuân giữ kỷ luật một cách cặn kẽ, tỉ mỉ. Luật phép chính là ngọn hải đăng chỉ đường, là chiếc áo giáp bảo vệ, là chiếc lan can che chắn, giúp người Chủng sinh dễ dàng để lướt thắng cám dỗ và đứng vững trước muôn vàn giông tố của cuộc đời. Một Chủng sinh nghiêm túc trong việc tuân giữ kỷ luật, sẽ trở nên một Linh mục gương mẫu cho Giáo hội trong tương lai.

CHUYÊN CHĂM CẦU NGUYỆN

Chủng sinh không thể tách rời việc học tập ra khỏi việc cầu nguyện. Bất cứ ai muốn trở thành Mục tử, trước hết phải là “người của Chúa”, như Thánh Phaolô đã từng nhắn nhủ (1Tm 6, 11). Do đó, mỗi Chủng sinh hãy biến “bàn học” trở thành “bàn quỳ”, phải khiêm tốn quỳ gối xuống, để Ngài đưa chúng ta vào mầu nhiệm Thiên Chúa – Đấng siêu việt. Muốn vượt qua căng thẳng và âu lo của những tháng năm đèn sách, mỗi người cần lưu tâm đến những giây phút gặp gỡ cá vị, những cuộc chuyện trò riêng tư, thân tình với Chúa. Một bài viết dù ngắn, dù dài cũng là bước vào một cuộc trò chuyện thân mật với Chúa. Làm Luận văn ra trường tựa như bước vào một cuộc tĩnh tâm lâu dài, nơi đó, suy tư và cầu nguyện đan quyện với nhau không rời. Học thần học giúp Chủng sinh cầu nguyện tốt hơn, và ngược lại, cầu nguyện giúp Chủng sinh học hiểu về Chúa một cách sâu xa hơn, toàn triệt hơn. Vì vậy, Chủng sinh đừng bao giờ lơ là việc cầu nguyện.

LỜI KẾT

Mỗi Chủng sinh hãy coi mình là những người đi tiên phong trong Chủng viện, đừng ngại để lại cho “đàn em” những truyền thống tốt đẹp về sự chân thật, về tình bạn lâu bền, về thái độ học tập nghiêm túc, về tinh thần chuyên chăm cầu nguyện. Các bạn đang có một tương lai và Thiên Chúa đã bồng các bạn đi qua muôn nẻo đường chẳng ai dám đi, như Chúa đã đưa Abraham, Môsê, và chính Ngài cũng sẽ đưa các bạn đến nơi các bạn chẳng dám mơ ước. Vì thế, hơn bao giờ hết, mỗi Chủng sinh hãy ý thức mình đang được ở trong trái tim của Mẹ Giáo hội, được mọi người quan tâm, trân trọng và yêu thương. Bao lâu trái đất này còn tồn tại, thế giới và Giáo hội cần có Linh mục cho hôm nay, ngày mai và mãi mãi muôn thế hệ[4]. Mỗi Chủng sinh cần luôn cộng tác với ơn Chúa, phải có “cái tâm” và “cái tầm” với ngôi trường mình đang theo học, tích cực đóng góp tiếng nói của mình, xây dựng Chủng viện ngày một thăng tiến hơn. Ước mong rằng nơi đây sẽ là một gia đình huynh đệ thực sự, mạnh mẽ trong đức tin, nồng nàn trong đức cậy, sắt son trong tình mến. Nhờ đó, Giáo hội sẽ có thêm nhiều thợ gặt lành nghề, hăng say làm việc trong cánh đồng truyền giáo, để Danh Chúa ngày một vinh sáng hơn.

Nguồn: gpbuichu.org

___________

[1] X. Gioan Phaolo II, Thông điệp Đức tin và Lý trí.

[2]X. Benedicto XVI, Thư gửi các Chủng sinh 2010.

[3] X. Công đồng Vaticano II, Sắc lệnh đào tạo các Linh mục.

[4] X. ĐTC Benedicto XVI, Thư gửi các Chủng sinh 2010.