Xin Ngài Thương Con
Giáo Hội Công giáo bước vào Mùa Chay thánh với tâm tình khiêm nhường sám hối. Mùa Chay khởi đầu với nghi thức xức tro, được cử hành trong Phụng vụ. Tâm tình sám hối đi liền với việc giữ chay, cầu nguyện và làm việc bác ái làm nên một mùa chay giàu ý nghĩa. Trong linh thiêng và trầm lắng, Phụng vụ Mùa Chay thấm đậm tâm tình cầu nguyện qua lời than van: “Xin Ngài thương con!”.
“Xin Ngài thương con!”. Đó là tâm tình của vua Đavít. Ông đã được Chúa ban cho mọi điều mơ ước, có đủ quyền lực, giàu sang, của cải, tôi tớ và ngai vàng. Nhưng xem ra ông không thỏa mãn. Vì vậy ông đã lập kế giết tướng Uria và cướp bà Bétsabê là vợ của ông này. Việc ông đã làm là bất công và nhất là phản nghịch cùng Chúa. Ngôn sứ Nathan được Chúa sai đến gặp vua Đavít, phân tích rõ cho ông thấy điều sai trái và hậu quả của việc ông đã làm. Đavít đã sám hối và diễn tả tâm tình của mình trong Thánh vịnh 50. Trong Thánh vịnh này, ông nói lên sự hối tiếc, ăn năn vì điều ác đã làm. Ông luôn lo lắng bất an, vì tội lỗi luôn hiện diện trước mặt. Lương tâm ông bị cào xé, vì ông đã lỗi phạm đến Chúa. Tâm trạng của Đavít là tâm trạng của một tội nhân, bị chính lương tâm mình săn đuổi. Cảm nhận được tội lỗi tày trời, Đavít cũng thành tâm sám hối. Ông không tìm cách quanh co chối tội, nhưng chân thành và xác tín vào lòng từ bi của Chúa, để xin Ngài thương xót tha thứ. “Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa!”, ông đã thốt lên như thế. Ý thức mình là tội nhân, Đavít cầu xin ơn tha thứ của Chúa, để nhờ lòng bao dung của Ngài, ông tìm lại được an vui, khi Ngài ban lại cho ông quả tim trong sạch.
“Xin Ngài thương con!”. Đó là tâm tình của người mù thành Giêricô (x. Lc 18,35-43). “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, người ta nói thế. Cũng như bao người mù khác, cuộc đời của anh chỉ là tối tăm bao phủ. Ước vọng của anh là được thấy. Anh đã diễn tả nỗi niềm ấy qua lời cầu xin với vị Ngôn sứ tiếng tăm đang lẫy lừng. Anh chẳng thấy Người, nhưng trực giác và dư luận của công chúng cho anh biết người ấy có thể chữa anh và đem lại cho anh ánh sáng. Ước mong được tìm lại ánh sáng nơi anh cháy bỏng đến nỗi, mặc dù có nhiều người ngăn cản anh vẫn không chùn bước. Vì là người mù ăn xin, sự ngăn cản của công chúng thật nghiệt ngã: “Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi”. Dù bị đe nẹt này, anh càng la to hơn: “Lạy Con vua Đavít, xin rủ lòng thương con!”. Anh tin vào quyền năng của vị Ngôn sứ đang đi qua. Lời cầu xin ấy hàm chứa niềm tín thác và hy vọng. Chúa Giêsu không để anh thất vọng. Người truyền cho anh đến với Người. Anh có dịp để nói lên nguyện ước cháy bỏng của mình, và kết quả là Chúa đã làm cho anh sáng mắt. Một trường hợp khác được Đức Giêsu chữa lành, đó là mười người phong cùi (x. Lc 17,11-19). Những người phong cùi bị loại khỏi cuộc sống. Họ bị coi như loài vật và phải lang thang trong rừng hoặc những nơi vắng người. Bản thân họ cũng ý thức được điều đó, nên Thánh Luca viết: “Họ dừng lại đàng xa và kêu lớn tiếng…”. Lời van xin của họ đã làm Chúa Giêsu động lòng trắc ẩn. Người đã chữa cho họ và bảo họ đi trình diện các tư tế. Việc trình diện này cho thấy họ hoàn toàn khỏi bệnh và có thể hòa nhập cuộc sống bình thường.
“Xin Ngài thương con!”. Đó là lời van xin xuất phát từ nỗi lòng của người cha có con bị bệnh sắp chết (x. Mc 21-24.35-43). Người cha này là trưởng một hội đường của Do Thái, có nghĩa là ông lo việc tế tự cho cộng đoàn. Ông đã chạy đến với Chúa Giêsu vào lúc bệnh của con gái ông không còn thuốc chữa. Đó cũng là lời van xin của người đàn bà xứ Canaan (x. 15,21-28). Con gái của bà đang bị quỷ ám. Tình mẫu tử đã thúc bách bà “vái tứ phương” để con bà được khỏi. “Lạy Ngài là con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm”. Tuy vậy, lời van xin của người mẹ khốn khổ này xem ra bị khước từ. Chúa Giêsu đã nói: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. Lời cầu nguyện đôi khi không được nhận lời trực tiếp hoặc không nhận được kết quả hoàn toàn như lòng mong muốn. Phải chăng Chúa muốn thử lòng kiên trì của chúng ta, để rồi sau những tháng ngày chờ đợi, niềm vui vỡ òa khi nhận ra ơn Chúa thật lạ lùng và tình thương của Ngài thật lớn lao?
“Xin Ngài thương con!”. Đó là tâm tình của cộng đoàn tín hữu mỗi khi cầu nguyện, nhất là trước khi cử hành Thánh Thể. Con người vương vấn muôn tội lỗi. Muốn đến với Chúa, họ phải được thanh tẩy, nhờ đó mới xứng đáng ra trình diện trước nhan Ngài. Lời kinh thống hối vừa giúp chúng ta nhận mình là tội nhân trước mặt Chúa, vừa giúp chúng ta đón nhận ơn tha thứ. Lời kinh ấy đơn sơ mà hiệu quả biết bao, vì nó giúp chúng ta gạt bỏ mọi mặc cảm, mạnh dạn đến gần Chúa, tâm sự trao đổi với Ngài những nỗi niềm của buồn vui nhân thế. Lời kinh ấy cũng giúp chúng ta tìm thấy bình an và hy vọng, khi cảm nhận được tình yêu vô bờ và ơn tha thứ của Thiên Chúa.
“Xin Ngài thương con!”. Đó cũng là lời kinh của một người vừa nằm xuống. Cuộc sống dương gian là cuộc bon chen nghiệt ngã. Con người rong ruổi ngược xuôi với cơm áo gạo tiền, lãng quên Thiên Chúa và lời chỉ bảo của Ngài. Lúc kết thúc cuộc đời, mới ngỡ ra rằng “sinh nhật đã tàn, mệnh chung đã tới”. Cảm nhận đời mình tội nhiều hơn phúc, người đã nằm xuống hối hận nhưng chẳng còn thời gian để làm lại cuộc đời. “Nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được!”. Lời cầu xin của người còn sống sẽ giúp người ra đi được ơn tha thứ, được ơn thanh tẩy và đón nhận trong Nhà Cha vĩnh cửu.
“Xin Ngài thương con!”. Đó vừa là tâm tình mang tính cá nhân, vừa là lời cầu nguyện chung của cộng đoàn. Bởi lẽ tội là không vâng lời Thiên Chúa, phản nghịch lại lòng tốt của Ngài và gây xáo trộn trong đời sống cộng đoàn. Tội còn làm cho thiên nhiên vũ trụ ra nhơ uế, mất đi sự an hòa và vẻ đẹp tinh khôi. Tâm tình sám hối đích thực không chỉ là sự giao hòa với Chúa, nhưng còn là sự hài hòa đối với tha nhân, với thiên nhiên vũ trụ để cùng xây một cuộc sống an bình.
Lời kinh của vua Đavít là lời kinh của thân phận con người tội lỗi yếu đuối. Lời kinh của người mù thành Giêricô là lời kinh xin những nhu cầu thiết thực cho cuộc sống. Lời kinh của ông trưởng hội đường muốn xin ơn cho những người thân. Lời kinh sám hối trước khi cử hành Thánh Thể đem lại an vui cho cộng đoàn. Lời kinh từ vực sâu xin ơn cứu rỗi cho người nằm xuống. “Xin Ngài thương con!” Đó cũng chính là lời nguyện cầu trong mọi hoàn cảnh của mỗi chúng ta.