Chương VII: Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa Trong Sứ Mạng Của Giáo Hội
Mục Lục Bài Viết
Chương VII
LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
TRONG SỨ MẠNG CỦA GIÁO HỘI
Trong tương quan với hình ảnh thế hệ chúng ta như trên, hình ảnh chỉ có thể khơi dậy một nỗi lo lắng sâu xa, tâm trí chúng ta lại nhớ tới những lời đã vang lên trong kinh Magnificat của Đức Maria để ca tụng việc nhập thể của Con Thiên Chúa và hát lên “lòng thương xót… suốt đời nọ đến đời kia”. Khi luôn giữ trong lòng mình những lời thần hứng hùng hồn ấy và cảm nhận chúng qua các kinh nghiệm, các khổ đau của gia đình nhân loại, Giáo Hội cần có được một ý thức sâu sắc hơn và mạnh mẽ hơn về sự cần thiết phải làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa trong toàn thể sứ vụ của mình, phù hợp với truyền thống Giao ước Cũ và Mới, và nhất là theo chân chính Đức Kitô và các Tông đồ của Người. Giáo Hội phải làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa đã được mạc khải nơi Đức Kitô trong tất cả sứ vụ của Người, bằng việc tuyên xưng trước tiên lòng thương xót ấy như chân lý cứu độ của đức tin, cần thiết cho một đời sống hòa hợp với đức tin, rồi bằng việc tìm cách làm sao cho lòng thương xót ấy đi vào và nhập thể trong đời sống các tín hữu, và trong mức độ có thể được trong đời sống của những ai thiện chí. Sau cùng, khi tuyên xưng lòng thương xót và luôn trung thành với lòng thương xót, Giáo Hội có quyền và nghĩa vụ kêu nài tới lòng thương xót của Thiên Chúa, khẩn cầu lòng thương xót này khi gặp phải những sự dữ thể lý và tinh thần, khi biết bao nguy cơ đang bủa vây nơi chân trời cuộc sống loài người ngày nay.
13. Giáo Hội tuyên xưng và công bố lòng thương xót của Thiên Chúa
Giáo Hội phải tuyên xưng và công bố tất cả chân lý về lòng Thiên Chúa thương xót, y như mạc khải đã chứng thực với chúng ta. Trong những trang trước, chúng ta đã tìm cách vẽ lên ít nữa các nét lớn của chân lý đó, chân lý được bày tỏ một cách phong phú biết bao trong toàn thể Thánh Kinh và Thánh Truyền. Trong đời sống hằng ngày của Giáo Hội, chân lý về lòng thương xót của Thiên Chúa được trình bày trong Thánh kinh, vẫn luôn vang dội trong nhiều bài đọc của phụng vụ thánh. Và dân chúng, trong cảm thức đích thực theo đức tin, họ cảm nhận rõ tiếng vang đó, như nhiều biểu lộ của lòng đạo cá nhân và cộng đồng đã chứng tỏ. Chắc chắn khó mà kể ra và tóm tắt được tất cả những biểu lộ này, bởi vì phần lớn được ghi tạc tận nơi thâm sâu nhất trong các tâm hồn và các ý thức. Nhiều nhà thần học quả quyết rằng lòng thương xót là ưu phẩm cao cả nhất của Thiên Chúa, sự hoàn hảo cao cả nhất của Ngài ; Thánh Kinh, Thánh Truyền và tất cả đời sống đức tin của Dân Chúa đều đem lại những chứng cứ vô tận cho quả quyết này. Ở đây không nhằm sự hoàn hảo của yếu tính khôn dò của Thiên Chúa trong chính mầu nhiệm Thiên tính Ngài, nhưng nhằm sự hoàn hảo và ưu phẩm mà nhờ đó con người, trong tận nội tâm, được kết hợp cách thâm sâu nhất và thường xuyên nhất với Thiên Chúa hằng sống. Đúng theo những lời Đức Kitô đã nói với Philípphê, việc “thấy Chúa Cha” – việc thấy Thiên Chúa trong đức tin – đạt được trong sự gặp gỡ lòng thương xót của Ngài một cấp độ đơn sơ và chân thật nội tâm giống như cấp độ chúng ta nhận ra trong dụ ngôn người con hoang đàng.
“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Giáo Hội tuyên xưng lòng thương xót của Thiên Chúa, Giáo Hội sống bằng lòng thương xót ấy, trong kinh nghiệm đức tin rộng lớn và cả trong việc giảng dạy của mình, nhờ không ngừng chiêm ngưỡng Đức Kitô, nhờ tập trung vào Người, vào cuộc đời và Tin Mừng của Người, vào Thập giá và sự sống lại của Người, vào trọn cả mầu nhiệm nơi Người. Tất cả những gì làm thành việc “thấy” Đức Kitô trong đức tin sống động và trong lời giảng dạy của Giáo Hội đều đưa chúng ta lại gần việc “thấy Chúa Cha” trong sự thánh thiện của lòng Ngài thương xót. Giáo Hội dường như tuyên xưng và tôn sùng một cách đặc biệt lòng thương xót của Thiên Chúa khi Giáo Hội đến với Thánh Tâm Đức Kitô. Quả thế, chúng ta lại gần Đức Kitô trong mầu nhiệm Thánh Tâm là chúng ta có thể chú ý đến điểm này – điểm trung tâm theo một nghĩa nào đó và đồng thời điểm dễ gần gũi hơn cả trên bình diện con người – là mạc khải về lòng thương xót của Chúa Cha, mạc khải đã làm thành nội dung trung tâm của sứ vụ cứu thế của Con người (Fils de l’homme).
Giáo Hội sống một đời sống đích thực khi tuyên xưng và công bố lòng thương xót, ưu phẩm đáng kính phục nhất của Đấng Tạo Hóa và của Đấng Cứu Chuộc, và khi dẫn đưa con người tới các nguồn mạch lòng thương xót của Đấng Cứu Chuộc, các nguồn mạch được giao cho Giáo Hội giữ gìn và phân phối. Trong khuôn khổ ấy, việc suy niệm liên tục Lời Chúa, và nhất là việc tham dự có ý thức và có suy nghĩ vào Thánh Thể và bí tích thống hối hay hòa giải, mang một ý nghĩa lớn lao. Thánh thể luôn đưa chúng ta lại gần tình thương mạnh hơn sự chết này: “Vì mỗi lần chúng ta ăn bánh và uống chén ấy”, không những chúng ta loan báo sự chết của Đấng Cứu Chuộc, mà chúng ta còn công bố Người đã sống lại, “trong khi đợi chờ Người đến” trong vinh quang. Phụng vụ thánh thể, được cử hành để tưởng niệm Đấng đã mạc khải Chúa Cha cho chúng ta trong sứ vụ Cứu thế, bằng Lời nói và Thập giá của Người, phụng vụ đó chứng thực tình thương vô tận mà căn cứ vào đó Người luôn mong muốn kết hợp và chỉ làm một với chúng ta, trong khi đi đón gặp mọi lòng người. Chính bí tích sám hối hay hòa giải san bằng đường đi của mỗi người, ngay cả khi người ta vướng mắc những lỗi nặng. Trong bí tích này, ai cũng có thể cảm nghiệm được một cách thâm sâu về lòng thương xót, tức là về tình thương mạnh hơn tội lỗi. Thông điệp Redemptor Hominis đã từng đề cập tới điểm này, tuy nhiên cũng nên trở lại một lần nữa đề tài căn bản này.
Vì tội lỗi có trong thế gian này, thế gian được “Thiên Chúa yêu thế gian đến đỗi đã ban Con Một”, cho nên Thiên Chúa “là tình yêu” chỉ có thể tự mạc khải là lòng thương xót mà thôi. Đó là điều thích hợp chẳng những với chân lý sâu xa nhất của tình thương là Thiên Chúa, mà còn với cả chân lý bên trong của con người và của thế gian vốn là quê hương tạm của con người.
Xét như sự hoàn hảo của Thiên Chúa là vô cùng, chính lòng thương xót của Người cũng là vô tận. Như vậy sự mau mắn của Chúa Cha là vô cùng và bất tận để đón nhận những người con hoang đàng trở về nhà. Sự mau mắn và dồi dào của ơn tha thứ không ngừng tuôn ra từ giá trị đáng khâm phục của lễ hy sinh của Chúa Con cũng vô cùng. Không một tội lỗi nào của con người có thể đáng kể hơn hay giới hạn lại sức mạnh đó. Phía con người, chỉ có thể giới hạn lại sức mạnh đó là sự thiếu thiện chí, thiếu mau mắn trong việc trở lại và sám hối, tức là sự ngoan cố thường xuyên chống lại ân sủng và chân lý, đặc biệt khi đứng trước chứng tá Thập giá và sự Phục sinh của Đức Kitô.
Chính vì thế Giáo Hội loan báo và kêu gọi trở lại. Việc trở lại với Thiên Chúa luôn luôn hệ tại ở chỗ khám phá được lòng thương xót của Ngài, tức là khám phá tình thương kiên nhẫn và hiền từ được Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa và Cha, thực hiện: với tình thương ấy, “Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” trung thành đến độ đón nhận những hậu quả tột cùng trong giao ước với con người, trung thành đi đến thập giá, sự chết và Phục sinh. Việc trở lại với Thiên Chúa luôn luôn là kết quả của sự trở về với Chúa Cha giàu lòng thương xót.
Sự nhận biết đích thực về Thiên Chúa có lòng thương xót, Thiên Chúa có tình thương nhân hậu, là một sức trở lại không ngừng và vô tận, chẳng những như hành động nội tâm trong giây lát, mà còn như khuynh hướng thường xuyên, như trạng thái tâm hồn. Những ai được biết Thiên Chúa như thế, những ai “thấy” Ngài như thế thì không thể sống cách nào khác ngoài cách không ngừng trở lại với Ngài. Như vậy thì họ sống “in statu conversionis”, trong trạng thái trở lại ; và chính trạng thái này lập thành yếu tố sâu xa nhất của cuộc hành hương của mọi người trên trái đất “in statu viatoris”, trong tình trạng lữ hành. Hiển nhiên Giáo Hội tuyên xưng lòng thương xót của Thiên Chúa, đã được mạc khải trong Đức Kitô bị đóng đinh vào Thập giá và đã sống lại, chẳng những bằng những lời mình giảng dạy, mà nhất là còn bằng nhịp sống mãnh liệt nhất của toàn thể Dân Chúa. Nhờ cuộc sống chứng tá này, Giáo Hội làm tròn sứ mệnh riêng của mình là Dân Thiên Chúa, là tham dự vào sứ mệnh cứu thế của chính Đức Kitô và theo một nghĩa nào đó, tiếp tục sứ mệnh này.
Giáo Hội ngày nay rất ý thức rằng chỉ khi nào dựa trên căn bản là lòng thương xót của Thiên Chúa thì mới có thể thực hiện được những tiêu chí từ giáo huấn Công đồng Vatican II, và trước tiên là tiến trình Đại kết, nhằm hiệp nhất tất cả những ai tin vào Đức Kitô. Khi nỗ lực theo tiến trình này, Giáo Hội khiêm tốn nhìn nhận rằng chỉ có tình thương đó, mạnh hơn sự yếu hèn của những chia rẽ, mới có thể thực hiện được cách dứt khoát sự hiệp nhất mà Đức Kitô đã khẩn cầu Cha Người ban và Thần Khí không ngừng khẩn cầu cho chúng ta “bằng những tiếng rên siết khôn tả”.
14. Giáo Hội cố gắng thực thi lòng thương xót
Đức Giêsu Kitô đã dạy chúng ta rằng con người không những lãnh nhận và cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa, mà còn được kêu gọi “có hành động thương xót” đối với kẻ khác: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”. Trong những lời này, Giáo Hội nhận ra một lời mời gọi phải hành động và Giáo Hội cố gắng thực hành lòng thương xót. Nếu tất cả các mối Phúc thật của Bài giảng trên Núi đều vạch cho thấy con đường trở lại và thay đổi cuộc sống, thì mối phúc thật liên quan tới những kẻ biết thương xót, lại càng đặc biệt có ý nghĩa. Con người đạt tới tình thương-thương xót của Thiên Chúa theo mức độ chính mình được biến cải từ bên trong theo tinh thần của một tình thương đúng nghĩa dành cho tha nhân.
Tiến trình theo đúng Tin Mừng ấy không chỉ thực hiện một cuộc hoán cải thiêng liêng một lần cho tất cả, nhưng còn phải lặp lại suốt cuộc sống, đó là điểm thiết yếu và thường xuyên nơi ơn gọi Kitô hữu. Nó hệ tại ở việc không ngừng khám phá và kiên trì thực thi tình thương vừa có sức hợp nhất vừa có sức nâng cao, bất chấp mọi khó khăn tâm lý hay xã hội, vì đây là một tình thương – thương xót tự yếu tính là một tình thương sáng tạo. Tình thương – thương xót, trong các quan hệ con người với nhau, không bao giờ là một hành động hay một tiến trình một chiều. Ngay cả trong những trường hợp mà tất cả như đều cho thấy là chỉ một bên cho và tặng, và bên kia thì chỉ có việc lấy và nhận (chẳng hạn trong trường hợp y sĩ chữa bệnh, thầy giáo dạy học, cha mẹ nuôi dưỡng và giáo dục con cái mình, vị ân nhân giúp đỡ những kẻ đang phải túng bấn), thì thật ra người cho vẫn luôn nhận lãnh. Dẫu sao đi nữa, người cho cũng có thể dễ dàng gặp lại chính mình trong hoàn cảnh của kẻ nhận, kẻ chịu ơn, kẻ gặp gỡ tình thương-thương xót, kẻ được hưởng lòng thương xót.
Trong ý nghĩa đó, Đức Kitô bị đóng đinh vào Thập giá là gương mẫu, nguồn hứng và sức khích lệ cao cả nhất cho chúng ta. Dựa vào gương mẫu cảm động này, chúng ta có thể, với tất cả sự khiêm tốn, tỏ bày lòng thương xót đối với người khác, biết rằng Người nhận nó như thể nó được dành cho chính mình Người. Theo gương mẫu ấy, chúng ta cũng phải thường xuyên thanh luyện tất cả mọi hành động và mọi ý hướng nếu lòng thương xót đó được hiểu và thực hành theo kiểu một chiều như một ơn ban cho các kẻ khác. Bởi vì thương xót chỉ thực sự là một hành động của tình thương-thương xót khi nào chúng ta thực hiện nó đồng thời xác tín sâu xa rằng chúng ta cũng nhận được lòng thương xót từ những kẻ chịu nhận nó từ chúng ta. Nếu khía cạnh hai chiều và tính cách hỗ tương ấy thiếu đi, thì những hành động của chúng ta chưa phải là những hành động đích thực của lòng thương xót ; theo đó, sự trở lại như Đức Kitô đã dạy cho chúng ta bằng lời Người nói và gương Người nêu, cho đến tận Thập giá, chưa được hoàn thành đầy đủ nơi chúng ta, và chúng ta chưa tham dự trọn vẹn vào nguồn mạch kỳ diệu của tình thương-thương xót đã được mạc khải cho chúng ta nơi Người.
Như vậy, con đường Đức Kitô đã chỉ cho chúng ta trong Bài giảng trên Núi với mối phúc thật cho những ai biết thương xót, phong phú hơn rất nhiều so với những gì chúng ta đã quen nghe nói. Con người thường coi lòng thương xót như một hành động, một tiến trình một chiều. Tiến trình đó giả thiết và duy trì những khoảng cách giữa kẻ thương xót và kẻ được thương xót, giữa kẻ làm ơn và kẻ chịu ơn. Do đó loại trừ lòng thương xót ra khỏi các quan hệ giữa người với người, và chỉ xây dựng các quan hệ ấy trên lẽ công bằng mà thôi. Nhưng những ý kiến như thế không kể gì đến mối liên quan căn bản giữa lòng thương xót và đức công bằng, mối liên quan được tất cả truyền thống Thánh kinh và nhất là sứ mệnh Cứu thế của Đức Kitô nói tới. Có thể nói lòng thương xót đích thực là nguồn mạch thâm sâu nhất của đức công bằng. Nếu tự thân đức công bằng thích hợp để “phân xử” giữa những con người với nhau và phân phối cho họ những của cải vật chất công bằng thì trái lại, tình thương và chỉ riêng tình thương mà thôi (mà chúng ta gọi là “lòng thương xót”), mới có thể trả con người lại cho chính mình.
Lòng thương xót Kitô giáo, theo một nghĩa nào đó, cũng là hiện thân hoàn toàn nhất của sự bình đẳng giữa người và người, và như vậy cũng là hiện thân hoàn toàn nhất của công bằng, vì công bằng, trong lĩnh vực riêng của nó, nhắm tới cùng một hiệu quả. Sự bình đẳng do công bằng đưa lại vẫn còn bị giới hạn vào lĩnh vực những của cải khách quan và bên ngoài, trong khi tình thương và lòng thương xót cho phép con người có thể gặp gỡ nhau trong giá trị này là chính con người, cùng với phẩm giá riêng của con người. Đồng thời, sự “bình đẳng” sinh ra từ tình thương “kiên nhẫn và nhân hậu” không xóa đi những khác biệt: kẻ cho thì trở nên đại độ hơn khi cảm thấy được người nhận đền đáp, ngược lại, người biết nhận tặng phẩm mà ý thức rằng chính mình cũng làm ơn khi nhận thì về phần mình cũng phục vụ đại nghĩa phẩm giá con người, và như vậy góp phần hiệp nhất người người với nhau một cách sâu xa hơn.
Như thế, lòng thương xót trở thành một yếu tố cần thiết để nắn đúc những quan hệ giữa người người với nhau, trong một tinh thần rất trân trọng những gì thuộc về con người và tình anh em đối với nhau. Không thể nào thiết lập được mối liên quan ấy giữa những con người nếu chỉ muốn quy định những quan hệ giữa họ với nhau theo sự công bằng mà thôi. Sự công bằng này, trong mọi phạm vi giữa người với người, phải được “đúc lại” hẳn nhiên nhờ tình thương mà thánh Phaolô tuyên dương là “Kiên nhẫn và nhân hậu”, hay, nói cách khác, tình thương mang những đặc điểm của tình thương-thương xót, những đặc điểm thiết yếu biết bao đối với Tin Mừng và Kitô giáo. Ngoài ra chúng ta hãy nhắc lại rằng tình thương-thương xót cũng bao hàm sự dịu dàng và sự nhạy cảm của trái tim mà dụ ngôn người con hoang đàng hay cả các dụ ngôn con chiên lạc và đồng bạc đánh mất đều nói tới một cách hùng hồn. Cũng thế, tình thương-thương xót thật cần thiết, nhất là giữa những người gần gũi nhau, giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa bạn bè ; nó cần thiết trong việc giáo dục và trong mục vụ.
Tuy nhiên, phạm vi hoạt động của nó không phải chỉ bấy nhiêu. Nếu Đức Phaolô VI đã nhiều lần cho thấy “nền văn minh tình thương” là mục đích phải vươn tới của mọi nỗ lực trong lãnh vực xã hội và văn hóa cũng như trong lãnh vực kinh tế và chính trị, thì cũng nên thêm rằng mục đích này sẽ không bao giờ đạt được bao lâu, trong các quan niệm và cách thực hiện của chúng ta vẫn chỉ biết có nguyên tắc “mắt đền mắt, răng đền răng” ; ngược lại, bao lâu chúng ta chưa cố gắng, biến cải lĩnh vực ấy trong yếu tính của nó, bằng cách hoạt động trong một tinh thần khác. Chắc chắn là Công đồng Vatican II cũng dẫn đưa chúng ta theo chiều hướng này khi nhắc đi nhắc lại về sự cần thiết phải làm cho thế giới mang tính người hơn, Công đồng trình bày sứ mệnh Giáo Hội trong thế giới ngày nay là phải thực hiện phận sự ấy. Thế giới loài người chỉ có thể ngày càng mang tính người hơn nếu chúng ta đưa vào trong những quan hệ đa dạng giữa người với người và những quan hệ xã hội không chỉ là sự công bằng mà còn là “tình thương-thương xót”, đó là điều làm nên sứ điệp Cứu thế của Tin Mừng.
Thế giới loài người chỉ có thể ngày càng mang tính người hơn khi nào chúng ta đưa vào trong mọi quan hệ hỗ tương giữa người với người sự tha thứ theo Tin Mừng. Sự tha thứ cho thấy rằng trong thế giới tình thương mạnh hơn tội lỗi. Hơn nữa, tha thứ là điều kiện trước tiên của sự hòa giải, chẳng những trong các tương quan giữa Thiên Chúa với con người, mà còn trong những tương giao giữa người với người. Một thế giới nếu trong đó người ta loại trừ sự tha thứ, thì sẽ chỉ là một thế giới công bằng lạnh lùng và bất kính, để mỗi người nhân danh nó mà đòi hỏi những tư lợi đối với kẻ khác ; như thế, mọi ích kỷ tiềm tàng trong con người sẽ có thể biến đổi đời sống và xã hội ấy thành một hệ thống: cá lớn nuốt cá bé, hoặc thành một đấu trường cho người ta thường xuyên xung đột thường lẫn nhau.
Chính vì thế Giáo Hội phải xem đây như là nghĩa vụ chính của mình – vào mỗi giai đoạn của lịch sử và đặc biệt vào thời đại này – là công bố và đưa vào trong đời sống mầu nhiệm lòng thương xót đã được mạc khải ở tầm cao nhất nơi Đức Giêsu Kitô. Chẳng những đối với chính Giáo Hội xét như cộng đoàn những kẻ tin mà còn, theo một nghĩa nào đó, đối với tất cả mọi người nữa, mầu nhiệm đó là nguồn mạch một đời sống khác với đời sống mà con người có khả năng xây dựng, con người vốn phải gánh chịu sức ép của ba mối đam mê tác động nơi mình. Và chính việc nhân danh mầu nhiệm đó mà Đức Kitô dạy chúng ta luôn luôn tha thứ. Biết bao lần chúng ta lập lại những lời cầu nguyện do Người đích thân dạy cho chúng ta “xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” tức là những kẻ có lỗi đối với chúng ta. Thật khó diễn tả giá trị sâu xa của thái độ mà những lời như thế diễn đạt và ghi khắc vào tâm trí. Có gì mà những lời ấy không cho mọi người được biết, về đồng loại của mình và về chính mình ! Ý thức người ta mắc nợ nhau đi đôi với tiếng gọi giữ tình liên đới anh em như thánh Phaolô đã diễn tả gãy gọn khi kêu mời chúng ta chịu đựng “hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau”. Thật là một bài học quý báu biết bao về sự khiêm tốn đối với con người, đối với tha nhân đồng thời đối với chính chúng ta ! Thật là cả một trường dạy thiện chí cho đời sống chung hằng ngày, trong những điều kiện khác nhau của cuộc sống ! Nếu chúng ta không thiết tha với một bài học đầy “nhân bản”như thế, thì còn trông chờ được gì trong bất cứ chương trình “nhân bản” nào ?
Đức Kitô nhấn mạnh cách tha thiết là cần phải tha thứ cho kẻ khác: khi Phêrô hỏi Người xem ông phải tha thứ cho đồng loại bao nhiêu lần thì Người chỉ cho ông con số tượng trưng là “bảy mươi lần bảy” vì muốn cho ông thấy rằng ông phải biết tha thứ cho mọi người và luôn luôn tha thứ. Đương nhiên một đòi hỏi đại độ như thế trong việc tha thứ không xóa bỏ những đòi hỏi khách quan của công bằng. Sự công bằng được hiểu cho đúng dường như là mục đích của tha thứ. Không hề có một chỗ nào trong sứ điệp Tin Mừng mà sự tha thứ hay lòng thương xót lại có nghĩa là khoan nhượng đối với sự dữ, đối với gương xấu, đối với điều thiệt hại đã gây ra, đối với những xúc phạm. Trong mỗi trường hợp, việc dẹp bỏ sự dữ và gương xấu, đền bù điều thiệt hại đã gây ra, phục hồi danh dự cho người bị xúc phạm đều là điều kiện để được tha thứ.
Như thế, cơ cấu căn bản của công bằng luôn luôn ở bên trong phạm vi lòng thương xót. Tuy nhiên lòng thương xót này có sức đem lại cho sự công bằng một nội dung mới được nói lên một cách đơn giản nhất và đầy đủ nhất trong việc tha thứ. Quả thế việc tha thứ tỏ ra rằng ngoài tiến trình “đền bù” và “tạm nghỉ” tiêu biểu cho sự công bằng, tình thương là cần thiết để con người xác định mình là con người. Cần phải hoàn tất các điều kiện của công bằng, nhất là để cho tình thương có thể cho thấy khuôn mặt riêng của mình. Trong phân tích về dụ ngôn người con hoang đàng, chúng ta đã từng lưu ý tới sự kiện kẻ tha thứ và người được tha thứ cùng gặp nhau ở một điểm thiết yếu là phẩm giá hay giá trị thiết yếu của con người, cái không thể mất đi được và là nguồn vui lớn nhất khi được xác định hay được tìm thấy lại.
Giáo Hội, một cách đúng nghĩa, cho rằng nghĩa vụ của mình, mục đích sứ mệnh của mình hệ tại ở việc bảo đảm tính đích thực của sự tha thứ, cả trong đời sống và cách cư xử lẫn trong việc giáo dục và mục vụ. Giáo Hội không bảo vệ tính đích thực ấy bằng cách nào khác là giữ gìn nguồn mạch của nó, tức là mầu nhiệm lòng thương xót của chính Thiên Chúa, được mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô.
Ở nền tảng sứ mệnh của Giáo Hội, trong tất cả các lãnh vực mà nhiều bản văn Công đồng Vatican II nói tới và trong kinh nghiệm lâu đời của Giáo Hội, không có gì khác ngoài việc “múc nước tận nguồn Ơn Cứu Độ”. Đó là nơi có nhiều hướng dẫn cho sứ mệnh của Giáo Hội trong đời sống các Kitô hữu, các cộng đoàn và toàn thể Dân Chúa. “Múc nước tận nguồn Ơn Cứu Độ” là việc chỉ có thể thực hiện được trong tinh thần nghèo khó mà Chúa đã bằng lời nói và gương của Người kêu gọi chúng ta phải có: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”. Như thế, trên mỗi nẻo đường của đời sống và sứ vụ Giáo Hội – thông qua sự nghèo khó theo Tin Mừng của các thừa tác viên và phân phối viên của mình, cũng như của toàn thể Dân Chúa, sự nghèo khó làm chứng cho “tất cả những điều kỳ diệu” của Chúa – Thiên Chúa “Đấng giàu lòng thương xót” càng tỏ hiện rõ nét hơn.
Thông điệp
Thiên Chúa giàu lòng thương xót
Dives in misericordia
Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha (Ga 14, 9)
Lòng Thương Xót suốt đời nọ đến đời kia
Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong sứ mạng của Giáo Hội
Lời cầu nguyện của Giáo Hội hôm nay