Chương VI: Lòng Thương Xót Suốt Đời Nọ Đến Đời Kia


Chương VI
LÒNG THƯƠNG XÓT SUỐT ĐỜI NỌ ĐẾN ĐỜI KIA

 

 10. Hình ảnh thế hệ chúng ta.

 Chúng ta hoàn toàn có quyền tin rằng cả thế hệ chúng ta cũng được bao hàm trong những lời của Mẹ Thiên Chúa, khi Mẹ tán dương lòng thương xót mà tất cả những ai kính sợ Thiên Chúa đều được hưởng phần “suốt đời nọ đến đời kia”. Những lời trong kinh “Magnificat” của Đức Maria có một nội dung tiên tri liên quan không những tới quá khứ của Israel, mà còn tới tương lai của dân Thiên Chúa trên trái đất nữa. Quả thế, tất cả chúng ta, những kẻ hiện đang sống trên trái đất, chúng ta là thế hệ đang ý thức về Thiên niên kỷ thứ ba sắp tới gần, và đang cảm nhận sâu sắc cái khúc quanh hiện nay của lịch sử.

 Thế hệ bây giờ biết mình được ưu đãi, bởi vì sự tiến bộ cung ứng cho họ những khả năng bao la mà chỉ vài mươi năm trước đây đã không thể ngờ tới. Hoạt động sáng tạo, trí thông minh và lao động của con người đã đưa đến những thay đổi lớn lao cả trong lãnh vực khoa học kỹ thuật lẫn trong đời sống xã hội và văn hóa. Con người đã mở rộng quyền lực của mình trên thiên nhiên, đã có được một hiểu biết sâu sắc hơn về các quy luật cho cách mình cư xử trong xã hội. Con người đã thấy sụp đổ hay thu hẹp lại những trở ngại và những khoảng cách ngăn chia người và người, nước này với nước nọ, là nhờ một nhận thức mạnh hơn về cái phổ quát, một ý thức sắc bén hơn về tính duy nhất của nhân loại và sự chấp nhận phải tùy thuộc lẫn nhau trong một thế liên đới đích thực, sau hết là nhờ ước muốn – và nhờ khả năng – đi vào trong quan hệ với các anh em của mình bất chấp những phân chia giả tạo về mặt địa lý và những ranh giới quốc gia hay chủng tộc. Nhất là giới trẻ ngày nay biết rằng tiến bộ khoa học và kỹ thuật có thể đem lại không phải chỉ những lợi ích vật chất mới nhưng cả một sự tham dự rộng rãi hơn vào sự hiểu biết nữa. Bước tiến của môn tin học, chẳng hạn, sẽ nhân lên những khả năng phát minh của con người và sẽ cho phép tham dự vào các kho tàng tri thức và văn hóa của các dân tộc khác. Các kỹ thuật truyền thông mới sẽ tiện cho việc tham gia nhiều hơn vào các biến cố và việc trao đổi tư tưởng dồi dào hơn. Những gì đã biết được trong các khoa sinh học, tâm lý học hay xã hội học sẽ giúp con người thấu triệt hơn sự phong phú của chính bản thân mình. Và nếu thật ra một tiến bộ như thế còn quá nhiều khi là đặc quyền của các nước đã được công nghiệp hóa, thì cũng phải nhận rằng viễn cảnh làm cho tất cả các dân tộc và tất cả các nước đều được hưởng tiến bộ kia không còn chỉ là một chuyện không tưởng khi có một ý chí chính trị thực sự muốn điều này.

 Nhưng bên cạnh tất cả tình hình ấy – hay đúng hơn bên trong tất cả tình hình ấy – có những khó khăn như vẫn thấy tăng lên. Có những lo lắng và những bất lực chạm tới câu trả lời sâu xa mà con người biết là phải đưa ra. Cảnh tượng thế giới ngày nay cũng bày ra những bóng tối và những chỗ mất thăng bằng không phải bao giờ cũng chỉ phơn phớt bên ngoài. Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes của Công đồng Vatican II chắc chắn không phải là văn kiện duy nhất bàn tới cuộc sống thế hệ ngày nay, nhưng chính là một văn kiện có tầm quan trọng rất đặc biệt. Chúng ta đọc thấy trong hiến chế đó rằng: “Quả thật, những cái mất thăng bằng đang chi phối thế giới hiện đại đều gắn liền với một sự mất thăng bằng căn bản hơn ăn sâu trong chính lòng dạ con người. Ngay chính nơi con người có nhiều yếu tố đối chọi nhau. Một đàng, vì là tạo vật, con người kinh nghiệm mình bị giới hạn nhiều bề, đàng khác, lại cảm thấy mình có những khát vọng vô biên và được mời gọi sống một cuộc sống cao cả hơn. Giữa đủ thứ thôi thúc, con người không ngừng bị bắt buộc phải chọn lựa và từ bỏ. Tệ hơn nữa, vì yếu đuối và tội lỗi, con người hay làm điều mình không muốn và không làm được chút nào điều mình muốn. Rốt cuộc, con người phải chịu sự chia cắt ngay trong bản thân mình và chính do đó mà sinh ra bao nhiêu nỗi bất hòa lớn giữa lòng xã hội”.

 Vào khoảng cuối phần nhập đề, chúng ta còn đọc: “Hiện có nhiều hơn những kẻ khi đứng trước diễn biến bây giờ của thế giới thì tự đặt cho mình những câu hỏi căn bản nhất hoặc thấy được những câu hỏi này ở một mức độ sắc bén mới. Con người là gì ? Đau khổ, sự dữ, sự chết vẫn còn đó mặc dầu biết bao nhiêu tiến bộ thì có ý nghĩa gì ?”

 Mười lăm năm sau Công đồng Vatican II, cảnh tượng những căng thẳng và những đe dọa đặc biệt của thời đại chúng ta như thế phải chăng đã thành ít lo ngại hơn ? Xem ra thì không. Trái lại, những căng thẳng và những đe dọa trước đây, trong văn kiện Công đồng, dường như chỉ mới phát thảo và chưa để lộ hẳn tất cả sự nguy hiểm của chúng, thì trong những năm vừa qua lại tự phơi bày ra hơn rất nhiều, xác nhận một cách khác là có sự nguy hiểm này và không còn cho phép nuôi những ảo tưởng ngày trước nữa.

 11. Những nguồn lo ngại

 Chính vì thế mà trong thế giới chúng ta đang thêm ý thức về một mối đe dọa và cũng đang tăng lên nỗi sợ hãi hiện sinh gắn liền nhất là – như tôi đã từng nhận xét trong thông điệp Redemptor Hominis – viễn tượng một cuộc xung đột có thể mang ý nghĩa là sự tự hủy diệt một phần nhân loại vì những kho vũ khí nguyên tử hiện nay. Tuy nhiên, sự đe dọa không chỉ liên quan tới những gì người ta có thể gây ra cho những người khác khi sử dụng kỹ thuật quân sự ; nó còn liên quan không kém tới rất nhiều mối nguy khác đang là sản phẩm của một nền văn minh vật chất, một nền văn minh – tuy có những tuyên ngôn “nhân bản” – vẫn chấp nhận coi các sự vật trọng hơn con người. Vì vậy con người ngày nay mới sợ rằng, do việc sử dụng những phương tiện kỹ thuật được sáng chế ra từ thứ văn minh đó, các cá nhân và cả các môi trường, các cộng đồng, các xã hội, các quốc gia đều có thể là những nạn nhân của sự lạm dụng quyền lực từ phía những cá nhân, các giới, các xã hội khác. Lịch sử của thế kỷ chúng ta đầy dẫy những thí dụ về thảm trạng đó. Mặc dầu có tất cả những tuyên ngôn về các quyền con người trong chiều kích toàn vẹn tức là trong cuộc sống thể xác và tinh thần, chúng ta không thể bảo rằng những thí dụ kia chỉ thuộc về quá khứ mà thôi.

 Thật sự, con người lo sợ trở thành nạn nhân của một sự áp bức, nó lấy mất của mình sự tự do bên trong, khả năng biểu lộ công khai chân lý mình tin chắc, đức tin mình tuyên xưng, quyền tuân theo tiếng lương tâm chỉ cho biết đường ngay nẻo chính. Quả thế, các phương tiện kỹ thuật sẵn có trong nền văn minh hiện nay lại che giấu không những khả năng của một cảnh tự hủy diệt bằng một cuộc xung đột quân sự, mà còn cả khả năng của một sự khống chế “cách hòa bình” trên những cá nhân, những môi trường sống, trên những xã hội toàn diện và trên những quốc gia, khi các thành phần này, vì lý do nào đó, gây trở ngại những kẻ có sẵn những phương tiện kia và họ sẵn sàng sử dụng chúng không e ngại. Cũng nên nghĩ tới hình thức tra tấn vẫn còn diễn ra trên thế giới, nó được chấp nhận bởi nhà cầm quyền một cách có hệ thống như một phương tiện thống trị hoặc giữ ưu thế chính trị, và nó được thi hành một cách tự tiện bởi các cấp thừa hành.

 Như vậy, bên cạnh ý thức về mối đe dọa đối với sự sống, đang lớn mạnh ý thức về một mối đe dọa khác còn hủy hoại những gì thiết yếu của con người hơn nữa, tức là những gì liên hệ mật thiết tới nhân phẩm, tới quyền của con người là được theo chân lý và có tự do.

 Và tất cả những điều ấy diễn ra trong một nỗi hối hận bao la do sự kiện là, bên cạnh những người và những xã hội dư dật và no nê, sống trong cảnh dồi dào, làm nô lệ cho việc tiêu thụ và hưởng thụ, không thiếu những cá nhân và những tập thể xã hội đang đói ăn. Không thiếu những trẻ em đang chết đói trước mắt những bà mẹ của chúng. Trong những phần khác nhau của thế giới và những hệ thống xã hội kinh tế khác nhau cũng không thiếu những vùng hoàn toàn cơ cực, đói kém và thiếu phát triển. Sự kiện này ai cũng biết. Tình trạng bất bình đẳng giữa những con người và giữa các dân tộc chẳng những kéo dài mà còn gia tăng. Ngày hôm nay, bên cạnh những kẻ dư dật và sống trong cảnh dồi dào, vẫn còn có những kẻ khác sống thiếu thốn, chịu cơ cực, và chết vì đói khát ; con số lên đến hàng chục, hàng trăm triệu. Chính vì thế mà mối lo lắng về đạo đức là có cơ sở. Rõ ràng là có một khuyết điểm rất lớn, hay đúng hơn một tập hợp những khuyết điểm và cả một guồng máy trục trặc ở nền tảng kinh tế ngày nay và của văn minh vật chất, những khuyết điểm và guồng máy trục trặc không cho phép gia đình nhân loại thoát ra khỏi những hoàn cảnh triệt để bất công đến như vậy.

 Hình ảnh như trên của thế giới ngày nay, trong đó có nhiều sự dữ thể lý và tinh thần đến nỗi nó thành một thế giới bị giam hãm trong mạng lưới những mâu thuẫn và những căng thẳng của mình, và đồng thời đầy những đe dọa nhằm chống lại sự tự do của con người, lương tâm và tôn giáo, hình ảnh ấy giải thích tại sao con người ngày nay phải lo lắng. Không phải chỉ những kẻ chịu thiệt thòi và bị áp bức mà cả những kẻ được hưởng các đặc ân dành cho sự giàu có, sự tiến bộ và quyền lực đều cảm nhận được nỗi lo lắng kia. Và ngay cả khi không thiếu những người tìm cách phát hiện các nguyên nhân hoặc chống lại bằng những phương tiện mà kỹ thuật, của cải và quyền lực dành cho họ, thì nỗi lo lắng kia, ở bề sâu nhất của tâm hồn con người, lại vượt xa hơn những giải pháp tạm thời này. Như Công đồng Vatican II cũng đã ghi nhận trong những phân tích của mình, nỗi lo lắng kia liên quan tới các vấn đề căn bản của toàn thể cuộc sống con người. Nó gắn liền với chính ý nghĩa của cuộc sống con người trong trần gian, và nó là nỗi lo lắng cho tương lai con người và tất cả nhân loại, nó đòi hỏi những giải đáp có tính cách quyết định, những giải đáp xem ra từ này về sau cần thiết cho loài người.

 12. Phải chăng sự công bằng là đủ ?

 Điều dễ nhận thấy là trong thế giới ngày nay và trên một quy mô rộng lớn, ý thức về công bằng đã được thức tỉnh ; và chắc chắn ý thức ấy làm nổi rõ hơn những gì đối nghịch với công bằng trong các quan hệ giữa con người với nhau, giữa những tập thể xã hội hay những “giai cấp”, cũng như giữa các dân tộc và các nước, và thậm chí giữa toàn bộ những hệ thống chính trị và trên toàn “thế giới” nữa. Trào lưu sâu xa và đa dạng đó mà nơi nguồn gốc của nó, ý thức con người ngày nay đặt để sự công bằng, trào lưu đó chứng nhận tính chất đạo đức của những căng thẳng và những xung đột đang tràn vào thế giới.

 Giáo Hội  chia sẻ với loài người thời chúng ta ước muốn nồng nàn và sâu sắc kia về một đời sống công bằng trên mọi phương diện và Giáo Hội cũng không bỏ qua việc suy nghĩ về nhiều mặt khác nhau của sự công bằng như đời sống của những con người và của các xã hội đòi hỏi. Sự phát triển học thuyết Công giáo về xã hội trong thế kỷ qua chứng thực điều ấy. Chính theo đường hướng của giáo lý này mà có việc giáo dục và đào tạo lương tâm nhân loại trong một tinh thần công bằng, cũng như có những sáng kiến riêng được triển khai trong tinh thần này, đặc biệt là trong khuôn khổ tông đồ giáo dân.

 Tuy nhiên, có lẽ dễ nhận ra rằng, nhiều khi các chương trình vốn được xây dựng trên ý niệm công bằng và phải giúp thực hiện công bằng trong đời sống xã hội của các cá nhân, các tập thể và các xã hội thì trong thực hành lại bị lệch lạc đi. Mặc dù các chương trình ấy luôn tiếp tục tự xưng là dựa vào vẫn một ý niệm công bằng kia, kinh nghiệm chứng tỏ rằng nhiều khi những sức mạnh tiêu cực, như sự oán hận, thù ghét và thậm chí sự độc ác đã lấn lướt ý niệm công bằng. Khi đó, chỉ muốn dồn đối phương đến đường cùng, giới hạn tự do của họ, ép buộc họ phải chịu lệ thuộc hoàn toàn, trở thành lý do căn bản cho hành động, và điều này trái ngược với yếu tính của công bằng là tự bản chất, phải nhằm thiết lập thế bình đẳng và cân bằng giữa các bên tranh chấp. Cái loại lạm dụng ý niệm công bằng như thế và sự biến chất của ý niệm này trong thực hành cho thấy hành động con người có thể tách xa sự công bằng biết bao nhiêu ngay cả khi nó được khởi xướng nhân danh sự công bằng. Không phải vô cớ mà Đức Kitô đã khiển trách những kẻ nghe Người về việc họ trung thành với giáo thuyết Cựu Ước  mà lại vẫn cứ giữ cái thái độ sống: “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Đó là cách làm biến chất sự công bằng vào thời ấy và nay các hình thức đương thời vẫn tiếp tục rập khuôn theo đó. Thật vậy, điều hiển nhiên là khi nhân danh cái gọi là công bằng (vì lịch sử hay vì giai cấp chẳng hạn), đôi khi người ta triệt hạ tha nhân, người ta giết hại, người ta tước đoạt tự do. Người ta lột mất những quyền sơ đẳng nhất của con người. Kinh nghiệm quá khứ và trong thời đại chúng ta đang sống cho thấy rằng chỉ có công bằng thôi thì không đủ, và thậm chí nếu chỉ có thế, đôi khi công bằng sẽ bị  phủ nhận và tự diệt, nếu người ta không để cho một sức mạnh sâu xa hơn là tình thương có thể uốn nắn đời sống con người trong các chiều kích khác nhau của đời sống này. Kinh nghiệm của lịch sử đã đưa tới việc thành hình châm ngôn “summum jus, summa injuria” – cực độ pháp lý cũng là cực độ bất công. Quả quyết này không hạ giá sự công bằng và không làm giảm ý nghĩa những trật tự được xây dựng trên nó, nhưng cho thấy, dưới một khía cạnh khác, còn cần phải nhờ đến những sức mạnh thâm sâu hơn của tinh thần làm điều kiện cần và đủ cho trật tự của công bằng.

 Hiển hiện trước mắt hình ảnh thế hệ chúng ta, Giáo Hội  chia sẻ nỗi lo lắng của biết bao nhiêu người ngày nay. Đàng khác, Giáo Hội  cũng quan tâm đến sự suy thoái của nhiều giá trị căn bản vốn vẫn là một kho tàng không thể chối cãi được chẳng những cho đạo đức Kitô giáo, mà còn cho đạo đức con người, cho nền văn hóa có đạo đức. Những giá trị như: tôn trọng mạng sống thai nhi, tôn trọng hôn nhân một vợ một chồng không thể đoạn tiêu, tôn trọng nền tảng gia đình. Sự buông thả về mặt đạo đức đang tác hại đến đời sống cá nhân và xã hội. Song song đó là sự khủng hoảng về tính chân thật trong các tương quan giữa con người với nhau: vô trách nhiệm trong lời nói, óc vụ lợi trong các quan hệ, kém ý thức về lợi ích chung đích thực, thậm chí dễ dàng đi ngược lại lợi ích chung này. Cuối cùng, đánh mất tính chất thánh thiêng và nhiều khi đánh mất cả nhân tính: con người và xã hội nếu không có gì là “thánh thiêng” cho mình, thì dầu bề ngoài thế nào đi nữa, cũng lao vào tình trạng suy đồi đạo đức.

Thông điệp

Thiên Chúa giàu lòng thương xót

Dives in misericordia

Chương I

Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha (Ga 14, 9)

Chương II

Sứ điệp cứu thế

Chương III

Lòng thương xót trong Cựu Ước

Chương IV

Dụ ngôn người con hoang đàng

Chương V

Mầu nhiệm Phục Sinh

Chương VI

Lòng Thương Xót suốt đời nọ đến đời kia

Chương VII

Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong sứ mạng của Giáo Hội

Chương VIII

Lời cầu nguyện của Giáo Hội hôm nay