Chương II: Sứ Điệp Cứu Thế


Chương II
SỨ ĐIỆP CỨU THẾ

3. Khi Đức Kitô bắt đầu hoạt động và giảng dạy

 Tại Nazaret, trước những người đồng hương, Đức Kitô viện dẫn lời tiên tri Isaia:

 “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.”

 Theo Thánh Luca, các câu trên là tuyên ngôn cứu thế đầu tiên của Đức Kitô, nó sẽ được nối tiếp bằng những việc làm và lời nói mà Tin Mừng cho chúng ta biết. Bằng những việc làm và lời nói này, Đức Kitô làm cho Chúa Cha hiện diện giữa loài người. Điều rất ý nghĩa là loài người ở đây trước hết lại là những người nghèo khó, không công ăn việc làm, những người bị tước đoạt tự do, những người đui mù không thấy được vẻ đẹp của vũ trụ, những người đang sống với tâm hồn tan nát, những người đau khổ vì bất công xã hội, và sau cùng là những người tội lỗi. Chính vì đặc biệt đối với những người như thế mà Đấng Cứu thế trở nên một dấu chỉ rất rõ ràng cho sự kiện Thiên Chúa là tình thương, Người trở nên dấu chỉ của Chúa Cha. Trong dấu chỉ hữu hình này, con người ở thời đại chúng ta, cũng như con người thời đó, đều có thể thấy Chúa Cha. Điều đó có ý nghĩa là khi những sứ giả được Gioan Tẩy Giả phái đến gặp Chúa Giêsu để hỏi Người: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ?”. Đức Giêsu lại viện dẫn chứng từ mà Người đã dùng để bắt đầu công việc giảng dạy của mình ở Nazaret để trả lời họ: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết chỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”. Và sau đó Người kết luận : “Và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi !”

Một cách đặc biệt bằng lối sống và những hành động của mình, Chúa Giêsu đã mạc khải tình thương hiện diện như thế trong thế giới chúng ta sống, tình thương tích cực, tình thương được gởi đến cho con người, tình thương đó bao gồm tất cả những gì làm thành nhân tính của con người. Tình thương này càng nổi bật hơn cả khi tiếp xúc với đau khổ, với bất công, với nghèo khó, khi tiếp xúc với tất cả “thân phận con người” trong lịch sử. Cách này hay cách khác, thân phận đó biểu lộ tính chất hữu hạn và mong manh của con người, cả về thể xác lẫn tinh thần. Do đó, theo ngôn ngữ Thánh Kinh, các cách thức và những lãnh vực nào tình thương được biểu lộ, được gọi là “lòng thương xót”.

 Như  thế Đức Kitô mạc khải Thiên Chúa là Cha, là “tình thương”, như Thánh Gioan đã nói trong thư thứ nhất của ngài ; Người mạc khải Thiên Chúa “giàu lòng thương xót”, như chúng ta đọc thấy trong Thánh Phaolô. Còn hơn một đề tài giảng dạy, chân lý này là một thực tại đã được Đức Kitô làm cho hiện diện nơi chúng ta. Biểu lộ Chúa Cha như tình thương và lòng thương xót đó là, trong ý thức của chính Đức kitô, diễn đạt chân lý nền tảng của sứ mệnh cứu thế của Người ; những lời lẽ đã được nói lên trước hết ở hội đường Nazaret, rồi trước mặt các môn đồ của Người và những sứ giả do Gioan Tẩy Giả phái đến, xác nhận cho chúng ta điều đó.

 Dựa vào cách thức biểu lộ sự hiện diện của Thiên Chúa là Cha, là tình thương và lòng thương xót, Chúa Giêsu đã lấy lòng thương xót làm một trong những chủ đề giảng dạy chính  yếu của mình. Như thường lệ, trước hết, Người giảng dạy “bằng những dụ ngôn”, bởi vì những dụ ngôn diễn đạt tốt hơn yếu tính của vấn đề. Chỉ cần nhắc lại dụ ngôn người con hoang đàng, hoặc thêm dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, ngay cả dụ ngôn tương phản là dụ ngôn người tôi tớ ác nghiệt nữa.. Trong lời giảng dạy của Đức Kitô, nhiều đoạn nói lên tình thương – lòng thương xót dưới một khía cạnh luôn mới mẻ. Chúng ta chỉ cần nhìn vào Người chăn chiên tốt đi tìm con chiên lạc, hoặc người đàn bà quét nhà để tìm đồng bạc đánh mất là đủ. Tác giả sách Tin Mừng viết đặc biệt về những đề tài như thế trong lời giảng dạy của Đức Kitô là Thánh Luca, và Tin Mừng của ngài đã xứng đáng được gọi là “Tin Mừng về lòng thương xót”.

 Về việc giảng dạy nói trên, có một vấn đề cực kỳ quan trọng là vấn đề ý nghĩa của các từ và nội dung của khái niệm, nhất là khái niệm lòng thương xót (trong tương quan với khái niệm “tình thương”). Hiểu rõ những từ và khái niệm này là nắm được chìa khóa cho phép hiểu chính thực tại lòng thương xót. Và đó là điều cần thiết cho chúng ta hơn cả. Tuy nhiên, trước khi dành một phần khác trong những suy nghĩ của chúng ta cho vấn đề ấy, nghĩa là trước khi thiết lập (xác định) ý nghĩa các từ và nội dung riêng của khái niệm “lòng thương xót”, chúng ta cần nhận thấy rằng, khi mạc khải tình thương – lòng thương xót của Thiên Chúa, Đức Kitô đã đồng thời đòi hỏi con người phải để cho tình thương – lòng thương xót hướng dẫn họ trong cuộc sống. Đòi hỏi này thuộc về chính yếu tính của sứ điệp cứu thế và làm thành yếu tính của đạo đức (ethos) Tin Mừng. Người nói lên điều ấy vừa bằng điều răn đã được Người xác định như “điều răn lớn nhất” vừa dưới hình thức chúc phúc, khi Người tuyên bố trong Bài giảng trên núi : “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” Như vậy, sứ điệp cứu thế về lòng thương xót có một chiều kích đặc biệt cả thần linh lẫn nhân loại. Khi trở thành tình thương nhập thể, tình thương được biểu lộ với một sức mạnh đặc biệt đối với những người đau khổ, những người bất hạnh và những người tội lỗi, Đức Kitô, Đấng hoàn tất làm cho Chúa Cha hiện diện và cũng mạc khải đầy đủ hơn Chúa Cha là Thiên Chúa “giàu lòng thương xót”. Đồng thời, khi trở nên gương mẫu cho con người về tình thương xót đối với kẻ khác, bằng việc làm hơn bằng lời nói, Đức Kitô công bố lời mời gọi hãy có lòng thương xót bởi vì đó là một trong những yếu tố cốt yếu của đạo đức Tin Mừng. Vấn đề ở đây không phải chỉ là thực hiện một điều răn hay một đòi hỏi có tính đạo đức nhưng còn là chu toàn một điều kiện tối quan trọng để Thiên Chúa có thể tự mạc khải qua lòng thương xót của Ngài đối với con người: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”.

Thông điệp

Thiên Chúa giàu lòng thương xót

Dives in misericordia

Chương I

Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha (Ga 14, 9)

Chương II

Sứ điệp cứu thế

Chương III

Lòng thương xót trong Cựu Ước

Chương IV

Dụ ngôn người con hoang đàng

Chương V

Mầu nhiệm Phục Sinh

Chương VI

Lòng Thương Xót suốt đời nọ đến đời kia

Chương VII

Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong sứ mạng của Giáo Hội

Chương VIII

Lời cầu nguyện của Giáo Hội hôm nay