Chương III: Lòng Thương Xót Trong Cựu Ước


Chương III
LÒNG THƯƠNG XÓT TRONG CỰU ƯỚC

4. Trong Cựu ước, khái niệm “lòng thương xót” có một lịch sử lâu dài và phong phú. Chúng ta phải quay trở lại lịch sử này thì mới thấy toả sáng đầy đủ lòng thương xót mà Đức kitô đã mạc khải. Khi trình bày lòng thương xót qua việc làm và lời giảng dạy, Đức Kitô đã ngỏ lời với những người chẳng những đã nhận biết lòng thương xót của Thiên Chúa mà còn với tư cách là Dân Thiên Chúa của Giao ước cũ, những người ấy đã từng rút ra từ lịch sử lâu đời của mình một kinh nghiệm đặc biệt về lòng thương xót của Thiên Chúa. Kinh nghiệm này vừa có tính xã hội và cộng đồng, vừa có tính cá nhân và nội tâm.

Thật vậy, Israel đã là dân Giao ước với Thiên Chúa, một Giao ước mà họ đã vi phạm nhiều lần. Khi họ đã ý thức được sự bất trung của chính mình thì họ khẩn nài đến lòng thương xót  ; và trong suốt lịch sử Israel, không thiếu những người và những ngôn sứ lay tỉnh ý thức ấy. Các sách Cựu Ước  để lại cho chúng ta nhiều chứng từ về mặt này. Trong số những sự việc và bản văn quan trọng nhất,  chúng ta có thể nhắc lại : buổi đầu lịch sử các thẩm phán, lời Salômon cầu nguyện khi cung hiến Đền thờ, đoạn kết của ngôn sứ Mica, những đoan hứa đầy khích lệ trong Isaia, lời khẩn nài của dân Do Thái bi lưu đày, lễ ký lại giao ước sau khi từ chốn lưu đày trở về.

Điều có ý nghĩa là các ngôn sứ, khi giảng dạy, vẫn nối kết lòng thương xót, mà họ thường nói tới vì những tội lỗi của dân, với hình ảnh tình thương nồng nàn của Thiên Chúa đối với dân. Chúa thương yêu dân Israel bằng một tình thương tuyển chọn đặc biệt, giống như tình thương của một người chồng   ; và vì vậy Ngài tha thứ cho dân Israel những tội lỗi và thậm chí những bất trung và phản bội của họ nữa. Nếu Ngài thấy được sự sám hối và sự trở lại đích thực, Ngài phục hồi dân Ngài trong ân sủng của Ngài. Trong lời các ngôn sứ giảng dạy, lòng thương xót có nghĩa là một sức mạnh đặc biệt của tình thương, mạnh hơn tội lỗi và sự bất trung của dân đã được chọn.

Trong bối cảnh “xã hội” rộng lớn đó, lòng thương xót xuất hiện trong tương quan với kinh nghiệm nội tâm của từng người trong số những người sống trong tình trạng tội lỗi, lâm cảnh đau khổ hay bất hạnh. Sự dữ thể lý cũng như sự dữ tinh thần tức tội lỗi là nguyên do khiến con cái Israel đến với Thiên Chúa và khẩn cầu lòng thương xót của Ngài. Chính bằng cách đó mà Đavít đã trở về với Ngài khi ý thức đầy đủ sự trầm trọng tội lỗi của mình. Gióp cũng vậy, sau những nổi loạn đã trở về với Thiên Chúa trong cảnh bất hạnh kinh khủng của ông. Esther cũng đến với Ngài khi ý thức về mối đe dọa diệt vong bao phủ dân mình. Và chúng ta còn tìm thấy nhiều trường hợp khác nữa trong các sách Cựu Ước.

Từ cội nguồn niềm xác tín đa dạng, cộng đồng và cá nhân này mà toàn bộ Cựu Ước  đã chứng tỏ, là kinh nghiệm nền tảng của dân được tuyển chọn, kinh nghiệm đã có vào buổi xuất hành của dân được chọn : Chúa đã thấy cảnh khốn khổ của dân Ngài dưới ách nô lệ, Ngài đã nghe những tiếng họ kêu than, đã thấu suốt những lo âu của họ và đã quyết tâm giải thoát họ. Trong hành động cứu độ này mà Chúa thực hiện, người ngôn sứ nhận ra được tình thương và lòng trắc ẩn của Ngài. Chính đó là cội rễ của niềm tín thác mà toàn dân và từng người trong dân đặt vào nơi lòng thương xót Chúa, và có thể kêu cầu lòng thương xót này trong mọi hoàn cảnh bi thảm.

Thêm vào đó, sự khốn khổ của con người cũng chính là tội lỗi của họ. Dân của Cựu Ước từng biết sự khốn khổ này ngay từ thời xuất hành, khi họ dựng nên con bò vàng. Chính Thiên Chúa đã chiến thắng hành động cắt đứt Giao ước ấy khi long trọng tuyên bố với Môsê: “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín”. Chính trong mạc khải trọng tâm này  mà dân được chọn và từng người trong dân ấy sẽ tìm thấy, sau mọi lỗi phạm, sức mạnh và lý do để quay về với Chúa ngõ hầu xin Ngài nhớ lại điều do chính Ngài đã mạc khải và khẩn cầu Ngài sự tha thứ.

Như vậy, bằng hành động cũng như bằng lời nói, Đức Chúa đã mạc khải lòng thương xót ngay từ khi Ngài chọn dân Israel  ; và trải qua suốt lịch sử của họ, trong những nỗi bất hạnh cũng như trong nhận thức tội lỗi của họ, dân ấy đã không ngừng cậy trông nơi Thiên Chúa đầy lòng thương xót. Tất cả mọi sắc thái của tình thương đều được biểu lộ trong lòng thương xót của Chúa đối với dân Ngài : Ngài là Cha họ[1], bởi vì Israel là con đầu lòng của Ngài ; Ngài cũng là vị hôn phu của dân được ngôn sứ loan báo cho một tên mới: ruhama “được yêu thương”, vì sẽ được hưởng lòng thương xót.

Ngay cả khi, vì không chịu nổi sự bất trung của dân Ngài, Đức Chúa định tâm chấm dứt Giao ước với họ cho xong, thì lòng trìu mến và tình thương đại độ của Ngài đối với dân vẫn thắng được cơn thịnh nộ của Ngài. Do đó người ta hiểu tại sao khi các tác giả thánh vịnh tìm cách hát lên những lời ngợi khen Chúa sâu sắc nhất thì họ cất tiếng ca ngợi Thiên Chúa của tình thương, niềm trìu mến, lòng thương xót và dạ trung thành.

Tất cả những điều trên chứng tỏ rằng lòng thương xót không chỉ là thành phần trong khái niệm Thiên Chúa, mà còn tiêu biểu cho cuộc sống của toàn thể dân Israel, của từng người dân : nó là nội dung của sự thân mật giữa họ với Chúa, nội dung cuộc đối thoại giữa họ với Ngài. Về phương diện này, lòng thương xót được nói lên bằng một lối diễn đạt rất phong phú trong nhiều sách khác nhau của Cựu Ước. Hẳn khó tìm trong những sách này một câu trả lời thuần lý thuyết cho câu hỏi lòng thương xót chính xác là gì. Tuy nhiên thuật ngữ mà các sách ấy dùng đã có đầy đủ những giáo huấn về vấn đề này.

Cựu Ước công bố lòng thương xót của Chúa bằng cách dùng nhiều từ có ý nghĩa gần gũi nhau: nếu như các từ này mang những nội dung ý nghĩa khác nhau thì có thể nói được là chúng cùng quy về một nội dung căn bản duy nhất, để nói lên sự phong phú siêu việt của nội dung ấy và để đồng thời cho thấy sự phong phú này, về nhiều phương diện, liên hệ biết bao đến con người. Cựu Ước  khuyến khích những kẻ bất hạnh, nhất là những ai nặng gánh tội lỗi – cũng như toàn thể dân Israel là dân đã từng ưng thuận giao ước với Thiên Chúa – hãy kêu cầu tới lòng thương xót và cho phép họ tin cậy vào đó  ; những khi sa ngã và ngã lòng, Cựu Ước  nhắc họ lại lòng thương xót. Cựu Ước cũng cảm tạ và tôn vinh lòng thương xót mỗi lần lòng thương xót được biểu lộ và được thực hiện trong cuộc sống của dân hay nơi một con người.

Như vậy, theo một nghĩa nào đó, lòng thương xót đứng ở thế đối lập với sự công bình của Thiên Chúa, và trong rất nhiều trường hợp, lòng thương xót được mạc khải không những mạnh mẽ hơn mà còn có tính nền tảng hơn sự công bình. Cựu Ước từng dạy cho chúng ta rằng, nếu sự công bình là một nhân đức đích thực và nếu nó có nghĩa là một hoàn hảo siêu việt nơi Thiên Chúa thì tình thương vẫn “cao cả” hơn sự công bình: cao cả hơn theo nghĩa là đầu tiên và căn bản. Tình thương nói được là điều kiện của sự công bình và rốt cuộc, sự công bình phải phục vụ đức ái. Vị trí hàng đầu và trổi vượt của đức ái trên sự công bình (một đặc điểm của toàn thể mạc khải) được biểu lộ ngay trong lòng thương xót. Đó là điều rõ rệt đối với các tác giả thánh vịnh và các ngôn sứ đến nỗi từ công bình lại có nghĩa là ơn cứu độ do Chúa và lòng thương xót của Ngài thực hiện. Lòng thương xót khác biệt nhưng không đối lập với sự công bình nếu chúng ta chấp nhận, (như chính Cựu Ước chấp nhận) rằng Thiên Chúa có mặt trong lịch sử con người và với tư cách là Đấng Tạo hóa, đã tự ràng buộc với thụ tạo của Ngài bằng một tình thương đặc biệt. Tự bản chất, tình thương loại trừ sự thù ghét và mong muốn điều ác đối với người đã từng được mình tự hiến cho. Nihil odisti corum quae fecisti, “không chê ghét những gì đã làm ra”. Những lời này cho thấy nền tảng sâu xa của tương quan giữa công bình và lòng thương xót nơi Thiên Chúa, trong các quan hệ của Ngài với con người và với trần gian. Những lời ấy bảo rằng chúng ta phải tìm các cội rễ mang sức sống và các lý do sâu kín của tương quan kia bằng cách quay trở lại từ “khởi thủy”, trong chính mầu nhiệm sáng tạo. Và cả trong khuôn khổ Cựu Ước, những lời ấy loan báo trước việc mạc khải đầy đủ về Thiên Chúa, Đấng “là Tình yêu”.

Với mầu nhiệm Sáng tạo, mầu nhiệm này lại được nối kết với mầu nhiệm sáng tạo, mầu nhiệm tuyển chọn là mầu nhiệm đã đặc biệt nắn đúc lịch sử của dân tộc mà Abraham là cha tinh thần bởi đức tin của ông. Tuy nhiên, qua sự trung gian của dân tộc này, một dân tộc đã đi suốt lịch sử Cựu Ước cũng như Tân ước, mầu nhiệm tuyển chọn kia lại liên hệ đến mọi người, đến toàn thể đại gia đình nhân loại. “Ta đã yêu thương ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương”. “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi”. Chân lý này  đã được loan báo cho Israel ngày nào đó lại bao hàm trong đó một cái nhìn trước về toàn thể lịch sử: sự thấy trước vừa có tính thời gian vừa có tính cánh chung. Đức Kitô mạc khải Chúa Cha trong bối cảnh đó, và trên một mảnh đất được chuẩn bị sẵn, như nhiều trang dài của Cựu Ước chứng tỏ. Đến cuối mạc khải này, vào buổi tối trước ngày Người chết, Người nói với Tông đồ Philípphê những lời đáng ghi nhớ: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philipphê, anh chưa biết Thầy ư ? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”.

Thông điệp

Thiên Chúa giàu lòng thương xót

Dives in misericordia

Chương I

Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha (Ga 14, 9)

Chương II

Sứ điệp cứu thế

Chương III

Lòng thương xót trong Cựu Ước

Chương IV

Dụ ngôn người con hoang đàng

Chương V

Mầu nhiệm Phục Sinh

Chương VI

Lòng Thương Xót suốt đời nọ đến đời kia

Chương VII

Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong sứ mạng của Giáo Hội

Chương VIII

Lời cầu nguyện của Giáo Hội hôm nay