Chương V: Mầu Nhiệm Phục Sinh


Chương V
MẦU NHIỆM PHỤC SINH

 

 7. Lòng thương xót được mạc khải trong Thập giá và sự Phục Sinh

Sứ điệp Cứu thế của Đức Kitô và hoạt động của Người giữa loài người được kết thúc với Thập giá và sự Phục sinh. Chúng ta cần phải đi sâu vào trong biến cố chung cục này là biến cố đặc biệt trong ngôn ngữ Công đồng, được minh định như mysterium paschale, nếu chúng ta muốn diễn đạt tất cả chân lý về lòng thương xót như đã được mạc khải tất cả trong lịch sử của ơn cứu chuộc chúng ta. Ở điểm này, chúng ta cần lại gần với nội dung thông điệp Redemptor Hominis hơn nữa. Thật vậy, nếu thực tại việc cứu chuộc, trong chiều kích nhân loại, tỏ lộ sự cao quý khôn tả của con người, qui talem ac tantum meruit habere Redemptorem, thì đồng thời, chiều kích thần linh của sự cứu chuộc ấy tỏ lộ cho chúng ta thấy một cách nói được là cụ thể và “có tính lịch sử” hơn bề sâu của tình thương Thiên Chúa. Tình thương này không lùi bước trước sự hy sinh lạ lùng của Chúa Con để làm tròn sự  trung thành của Đấng Tạo hóa và Chúa Cha đối với con người đã được tạo dựng theo hình ảnh Ngài và đã được chọn ngay từ “khởi thủy” trong Chúa Con, để hưởng ân sủng và vinh quang.

Các biến cố ngày Thứ Sáu thánh, và trước đó lời cầu nguyện tại Gethsêmani, đưa dẫn một biến đổi căn bản vào trong toàn bộ diễn tiến của mạc khải tình thương và lòng thương xót, trong sứ mệnh Cứu thế của Đức Kitô. Đấng “đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó”, “chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế”, thì bây giờ đích thân lại như đáng hưởng lòng thương xót lớn nhất và kêu gọi tới lòng thương xót, khi Người bị bắt, bị lăng nhục, bị kết án, bị đánh đòn, bị đội triều thiên bằng gai, khi Người bị đóng đinh vào Thập giá và tắt thở giữa những đau đớn khủng khiếp. Chính đó là lúc Người đặc biệt xứng đáng hưởng lòng thương xót của những kẻ đã từng được gội ơn Người, nhưng Người không được họ thương xót. Ngay cả những kẻ thân cận nhất với Người cũng không biết bảo vệ Người và gỡ Người ra khỏi tay bọn áp bức. Trong giai đoạn chung cuộc này của chức vụ cứu thế, những lời các ngôn sứ, nhất là Isaia, về Người tôi tớ của Giavê, được nên trọn trong Đức Kitô. “Người đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành”.

Đức Kitô, với tư cách là con người chịu đau khổ thực sự và khủng khiếp tại vườn Cây Dầu và trên đỉnh Núi Sọ, hướng về Chúa Cha, là Đấng mà tình thương của Ngài (Chúa Cha) đã được Người (Đức Kitô) loan báo cho loài người và lòng thương xót của Ngài (Chúa Cha) đã được Người (Đức Kitô) cho biết bằng mọi hành động của mình (Đức Kitô). Nhưng ngay cả Người cũng không được miễn chước khỏi đau khổ khủng khiếp của cái chết trên Thập giá: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta”, như thánh Phaolô sẽ viết để tóm tắt trong ít chữ tất cả bề sâu mầu nhiệm Thập giá và đồng thời chiều kích thần linh của thực tại cứu chuộc. Thế mà việc cứu chuộc này là mạc khải tối hậu và dứt khoát về sự thánh thiện của Thiên Chúa là sự toàn thiện viên mãn tuyệt đối: đó là sự viên mãn công bằng và tình thương, vì sự công bằng được xây dựng trên tình thương, đến từ tình thương và vươn tới tình thương. Sự công bằng tuyệt đối được biểu hiện trong việc Đức Kitô thụ nạn và chết, trong sự kiện Chúa Cha đã không miễn cho con của Ngài mà “thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta”, bởi chưng Đức Kitô phải thụ nạn và chết trên Thập giá vì tội lỗi loài người. Ở đó thật sự có “dư đầy” sự công bằng, bởi tội lỗi con người được “bù lại” bằng sự hy sinh của Người-Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự công bằng này, với nghĩa đen là công bằng theo “sự đo lường” của Thiên Chúa, lại hoàn toàn phát sinh từ tình thương, từ tình thương của Chúa Cha và Chúa Con, và hoàn toàn nảy nở trong tình thương. Chính vì thế mà sự công bằng của Thiên Chúa được mạc khải trong Thập giá  Đức Kitô mới là sự công bằng theo “sự đo lường” của Thiên Chúa, bởi chưng nó phát sinh từ tình thương và nên trọn trong tình thương khi mang lại những hồng ân cứu độ. Chiều kích thần linh của sự cứu chuộc được thực hiện chẳng những trong việc đánh giá tội lỗi một cách công bằng mà còn trong việc trả lại cho tình thương sức sáng tạo, nhờ đó con người một lần nữa được thông dự vào sự sống và sự thánh thiện viên mãn đến từ Thiên Chúa. Như vậy, ơn cứu độ mang nơi mình sự mạc khải về lòng thương xót trong sự viên mãn của nó.

Mầu nhiệm Phục sinh  làm thành đỉnh cao cho công cuộc mạc khải và thi hành lòng thương xót có khả năng công chính hóa con người, tái lập sự công chính như là cuộc thực hiện trật tự cứu chuộc mà Thiên Chúa ngay từ khởi thủy đã muốn nơi con người, và nhờ con người, trong vũ trụ. Đức Kitô chịu đau khổ hướng về con người một cách đặc biệt, và không phải chỉ hướng về kẻ tin. Ngay cả người không tin sẽ biết khám phá nơi Người sự liên đới hùng hồn với vận mệnh nhân loại, cũng như sự viên mãn hài hòa của việc tự hiến vô vị lợi cho con người, cho chân lý và cho tình thương. Tuy nhiên chiều kích thần linh của mầu nhiệm Phục sinh còn đi xa hơn. Thập giá được dựng trên núi Sọ và là chỗ Đức Kitô đối thoại cuối cùng với Chúa Cha, Thập giá ấy xuất hiện từ chính trung tâm của tình thương mà Thiên Chúa theo ý định đời đời đã dành cho con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Ngài. Thiên Chúa, như Đức Kitô đã mạc khải, không phải chỉ có tương quan chặt chẽ với thế gian trong tư cách là Đấng Tạo hóa và là nguồn mạch tối thượng của hiện hữu, Ngài cũng là Cha: Ngài kết hợp với con người mà Ngài đã gọi vào hiện hữu trong vũ trụ hữu hình, bằng một liên hệ còn sâu xa hơn liên hệ tạo thành. Chính tình thương không những tạo thành cái tốt, mà còn cho tham dự vào cả cái tốt, tham dự vào cả sự sống của Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần. Thật vậy, kẻ đã yêu thương thì muốn tự hiến chính mình.

Thập giá Đức Kitô ở Núi Sọ được dựng lên trên con đường của admirabile commercium, của tương giao (việc giao tiếp) đáng thán phục của Thiên Chúa với con người và đồng thời kêu gọi con người tham dự vào sự sống thần linh, bằng cách tự hiến mình cho Ngài và dâng hiến vũ trụ cùng với mình ; tham dự với tư cách nghĩa tử vào chân lý và tình thương ở nơi Thiên Chúa và xuất phát từ Thiên Chúa. Từ đời đời khi chọn lựa con người vào phẩm giá làm nghĩa tử của Thiên Chúa, đã nổi lên trong lịch sử chính Thập giá Đức Kitô, Người Con Một, Đấng là “ánh sáng sinh bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật sinh bởi Thiên Chúa thật”, đã đến để làm chứng dứt khoát cho Giao ước đáng thán phục của Thiên Chúa với loài người, của Thiên Chúa với con người – với từng người. Giao ước này xưa cũ như con người, bởi vì có từ chính mầu nhiệm tạo thành, rồi được tái lập nhiều lần với Dân riêng được chọn, nó cũng là giao ước mới và chung cuộc ; được lập ở đó, trên Núi Sọ, giao ước này không còn bị giới hạn vào riêng một dân tộc là Israel nữa, nhưng được mở ra cho mọi người và mỗi người.

Thập giá Đức Kitô, nói được là tiếng nói cuối cùng của sứ điệp và sứ mệnh cứu thế của Người, Thập giá ấy nói gì với chúng ta ? Đã đành, Thập giá chưa phải là lời cuối cùng của Thiên Chúa của Giao ước vì lời này sẽ chỉ được nói ra vào sáng sớm tinh sương, trước tiên là những phụ nữ, rồi các Tông đồ, đến mồ Đức Kitô đã bị đóng đinh vào thập giá, thì thấy mồ trống và nghe lời loan báo này: “Người đã sống lại”. Đến lượt họ, họ sẽ nói lại điều ấy và họ sẽ là những chứng tá của Đức Kitô sống lại. Tuy nhiên, ngay cả trong vinh quang của Con Thiên Chúa, Thập giá vẫn không thôi hiện diện, Thập giá này vẫn – thông qua chứng cứ cứu thế của Người – Chúa Con đã chịu chết trên đó – nói và không bao giờ thôi nói về Thiên Chúa – Cha là Đấng luôn luôn trung thành với tình thương đời đời của Ngài đối với con người, vì “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Tin vào Chúa Con đã bị đóng đinh vào Thập giá có nghĩa là “thấy Cha”, có nghĩa là tin rằng tình thương có mặt trong thế gian và tình thương này mạnh hơn những sự dữ đủ mọi hình thức mà con người, loài người và thế gian đã chìm vào. Tin vào một tình thương như thế có nghĩa là tin vào lòng thương xót. Lòng thương xót này, thật vậy, là chiều kích cần thiết của tình thương ; lòng thương xót là như tên gọi thứ hai của tình thương và đồng thời là cách độc đáo mà tình thương được mạc khải và thực hiện để chống lại sự dữ ở trong thế gian, chống lại cám dỗ vây hãm con người, luồn lách vào tận trong lòng dạ con người và có thể “tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục”.

8. Tình thương mạnh hơn sự chết, mạnh hơn tội lỗi

Thập giá Đức Kitô trên Núi Sọ cũng là bằng chứng về sức mạnh của sự dữ đối với chính Con Thiên Chúa, đối với Đấng duy nhất trong tất cả các con cái loài người là kẻ tự bản tính vô tội và hoàn toàn không vương một tội nào, đã ra đời mà không dính dấp tới sự bất tuân của Ađam, tới di sản của Tội Nguyên tổ. Và nơi người, nơi chính Đức Kitô, tội lỗi được đánh giá một cách công bằng với lượng giá là việc Người hy sinh và vâng phục “cho đến chết”. Người, Đấng không hề phạm tội “thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta”. Công chính cũng được tính tới bằng sự chết là vì sự chết vốn liên minh với tội lỗi từ buổi đầu lịch sử loài người. Và sự chết được thanh toán cách công bằng với giá là cái chết của Đấng duy nhất có thể – bằng chính cái chết của mình – hủy diệt chính cái chết. Như vậy, Thập giá Đức Kitô, trên đó Chúa Con, đồng bản thể với Chúa Cha, đền đáp đầy đủ công bằng cho Thiên Chúa, cũng là một mạc khải triệt để về lòng thương xót, nghĩa là về tình thương, tình thương này luôn chống lại cái làm thành chính cội rễ của sự dữ trong lịch sử là tội lỗi và sự chết.

Thập giá  là phương thế sâu xa nhất để thần tính đoái đến con người và đến những gì con người – nhất là trong những lúc khó khăn và đau xót – gọi là vận mệnh bất hạnh của mình. Thập giá là như sự chạm đến của tình thương vĩnh cửu trên những vết thương đau đớn nhất của cuộc sống con người trong trần gian, và là sự hoàn tất đến cùng chương trình cứu thế mà Đức Kitô đã trình bày ở Hội đường Nadaret rồi lặp lại trước mặt những người được Gioan Tẩy Giả phái tới. Giống như những lời tiên báo xưa của Isaia, chương trình này hệ tại ở việc mạc khải tình thương xót đối với những kẻ nghèo khó, những kẻ đau khổ, những kẻ bị giam cầm, những kẻ đui mù, những kẻ bị áp bức và những kẻ tội lỗi. Trong mầu nhiệm Phục sinh, những giới hạn của sự dữ đa dạng mà con người phải dự vào trong cuộc sống trần gian đều được vượt qua: quả thế, Thập giá  Đức Kitô cho chúng ta hiểu rằng các cội rễ sâu xa nhất của sự dữ nằm tận trong tội lỗi và sự chết ; vì vậy mà Thập giá trở nên một dấu chỉ cánh chung. Chỉ khi thời gian chấm dứt và khi thế giới được đổi mới hẳn thì nơi tất cả những kẻ được chọn, tình thương mới toàn thắng sự dữ tại nguồn mạch sâu xa nhất của nó, bằng việc đem lại như một trái chín muồi Triều đại sự sống, sự thánh thiện, sự bất tử quang vinh. Nền tảng sự hoàn thành cánh chung này đã có sẵn trong Thập giá và cái chết của Đức Kitô. Sự kiện Đức Kitô “ngày thứ ba đã trỗi dậy” là dấu chỉ đánh dấu sự hoàn tất sứ mệnh cứu thế, dấu chỉ tuyệt đỉnh cho mạc khải trọn vẹn về tình thương – lòng thương xót trong một thế gian đã bị sự dữ chế ngự. Sự kiện ấy đồng thời làm thành dấu chỉ báo trước “trời mới đất mới”, khi Thiên Chúa “lau sạch nước mắt họ ; sẽ không còn sự chết ; cũng chẳng còn tang tóc kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã bị biến mất”.

 Trong sự hoàn thành cánh chung, lòng thương xót sẽ tỏ ra như tình thương, khi mà bên trong thời gian, bên trong lịch sử loài người cũng là một lịch sử của tội lỗi và chết chóc, tình thương sẽ tỏ ra đặc biệt như lòng thương xót, và được thực hiện dưới hình thức này. Sứ vụ cứu thế của Đức Kitô, Sứ vụ của lòng thương xót trở nên sứ vụ của dân Người, của Giáo Hội. Thập giá vẫn luôn đứng giữa sứ vụ ấy, vì Thập giá là nơi mạc khải về tình thương – lòng thương xót đạt tới đỉnh cao của mình. Bao lâu “những điều cũ” chưa qua đi  thì Thập giá  sẽ còn là “chỗ” có thể áp dụng được những lời khác này trong sách Khải huyền của thánh Gioan: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy và người ấy sẽ dùng bữa với Ta”. Thiên Chúa cũng mạc khải lòng thương xót của Ngài khi Ngài kêu gọi con người thi hành “lòng thương xót” đối với chính con Ngài, đối với Đấng bị đóng đinh vào thập giá.

Đức Kitô, Đấng bị đóng đinh vào Thập giá, là Lời sẽ không qua đi. Người là kẻ đứng bên cửa và gõ vào lòng dạ mọi người, không ép uổng sự tự do của họ mà chỉ tìm cách dấy lên từ lòng dạ ấy một tình thương chẳng những là một hành động kết hợp với Con Người đau khổ mà còn là một hình thức “lòng thương xót” mà mỗi chúng ta biểu lộ với Con của Cha muôn đời. Trong Sứ vụ cứu thế của Đức Kitô và trong việc mạc khải lòng thương xót bằng Thập giá, phẩm giá con người có thể nào được tôn trọng hơn, lớn lao hơn khi mà con người này nếu là đối tượng của lòng thương xót, thì cũng đồng thời và theo một ý nghĩa nào đó lại là kẻ “thi thố lòng thương xót” không ?

Rốt cuộc, há chẳng phải là lập trường của Đức Kitô đối với con người hay sao, khi Người tuyên bố “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Những lời trong bài giảng trên núi “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” há chẳng theo một nghĩa nào đó, là tổng hợp của tất cả Tin Mừng, của tất cả “sự trao đổi đáng thán phục” (admirabile commercium) được bao hàm trong đó và là một luật đơn giản, mạnh mẽ mà cùng “dịu ngọt” của chính nhiệm cục cứu chuộc sao ? Và những lời như trên của Bài giảng trên núi, những lời cho thấy ngay từ khởi điểm những khả năng “của lòng dạ con người” (“biết thương xót”) há chẳng mạc khải trong cùng một viễn cảnh, bề sâu của mầu nhiệm Thiên Chúa: sự duy nhất khôn lường của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nơi đó tình thương bao hàm đức công bằng, sinh ra lòng thương xót và đến lượt lòng thương xót này lại mạc khải mức hoàn hảo của đức công bằng sao ?

Mầu nhiệm Phục sinh, chính là Đức Kitô ở tuyệt đỉnh sự mạc khải về mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa. Đó chính là lúc được thực hiện đầy đủ những lời Người đã nói tại nhà Tiệc ly: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Quả thế, Đức Kitô đã vì lợi ích nhân loại mà không được “Chúa Cha tha cho” và trong cuộc khổ nạn và cực hình Thập giá, đã không là đối tượng của lòng thương xót của con người, thì trong sự Phục sinh của mình đã lại mạc khải tình thương tràn đầy mà Chúa Cha vẫn dành cho Người, và qua Người, cho tất cả mọi người. “Người không phải là Thiên Chúa của người chết nhưng là của kẻ sống”. Trong sự Phục sinh, Đức Kitô đã mạc khải Thiên Chúa của tình thương xót chính vì Người đã chấp nhận Thập giá làm đường đưa tới sự sống lại. Và bởi vậy, khi chúng ta tưởng niệm Thập giá Đức Kitô, việc Người thụ nạn và chết thì đức tin và đức cậy của chúng ta chăm chú nhìn vào Đấng đã sống lại: vào Đức Kitô “vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần … đã đến, đứng giữa các môn đệ của mình” tại nhà Tiệc Ly nơi “họ đang ở … thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.

Đây là Con Thiên Chúa, Đấng mà trong sự Phục sinh của mình, đã có kinh nghiệm triệt để về lòng thương xót, tức là về tình thương của Chúa Cha mạnh hơn sự chết. Và cũng chính Đức Kitô ấy, Con Thiên Chúa, lúc ở cuối hạn kỳ và theo một ý nghĩa nào đó vượt trên hạn kỳ sứ mệnh cứu thế của mình, lại tự mạc khải mình là nguồn mạch khôn cạn của lòng thương xót, của tình thương, tình thương mà trong viễn cảnh lịch sử cứu chuộc trong Giáo Hội sau này phải không ngừng tỏ ra mạnh hơn tội lỗi. Đức Kitô Phục sinh là hiện thân trọn vẹn dấu chỉ sống động của lòng thương xót: dấu chỉ của ơn Cứu chuộc vừa mang tính lịch sử vừa mang tính cánh chung. Trong tinh thần này, phụng vụ mùa Phục sinh mới đặt lên môi chúng ta những lời Thánh vịnh: Misericordias Domini in aeternum cantabo, “Tình thương Chúa đời đời con ca tụng”.

9. Đức Mẹ có lòng thương xót (Mẹ của lòng thương xót)

Trong bài hát Phục sinh đó của Giáo Hội còn vang dội với đầy đủ nội dung tiên tri những lời Đức Maria đã nói lên khi viếng thăm bà Elisabet, vợ ông Giacaria: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”. Ngay từ giây phút nhập thể, những lời này mở ra một viễn tượng mới cho lịch sử cứu độ. Sau khi Đức Kitô sống lại, viễn tượng mới này trở thành lịch sử và đồng thời có thêm một ý nghĩa cánh chung. Từ lúc ấy, những thế hệ mới ngày càng nhiều hơn trong gia đình nhân loại bao la luôn nối tiếp nhau và những thế hệ mới của dân Thiên Chúa cũng nối tiếp nhau, những thế hệ này được ghi dấu Thập giá và sự Phục sinh, và “được đóng ấn tín”, ấn tín mầu nhiệm của Đức Kitô Phục sinh, sự mạc khải tuyệt đối về lòng thương xót mà Đức Maria đã tuyên xưng ở ngưỡng cửa nhà người chị em họ của mình: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”.

Đức Maria cũng là người đã có kinh nghiệm một cách đặc biệt và phi thường – hơn ai hết – về lòng thương xót và đồng thời vẫn một cách phi thường, đã nhờ lễ tế lòng mình mà có thể đích thân góp phần vào việc mạc khải lòng Thiên Chúa thương xót. Lễ tế kia được nối kết chặt chẽ với Thập giá của con Mẹ: Đức Mẹ đã đứng dưới chân Thập giá  trên Núi Sọ. Lễ tế của Đức Maria là sự thông phần đặc biệt vào việc mạc khải về lòng thương xót, tức là về sự trung thành tuyệt đối của Thiên Chúa đối với tình thương của Ngài, đối với Giao ước Ngài đã muốn có từ đời đời và đã lập bên trong thời gian với con người, với dân, với nhân loại ; lễ tế đó thông phần vào việc mạc khải đã được hoàn thành dứt khoát nơi thập giá. Không ai bằng Mẹ Đấng bị đóng đinh đã có kinh nghiệm về thập giá, chổ gặp gỡ lạ lùng giữa đức công bằng siêu việt của Thiên Chúa và tình thương: cái “hôn” lòng thương xót tặng cho đức công bằng. Không ai bằng Đức Maria đã đón nhận cách sâu xa như thế trong lòng dạ mình mầu nhiệm này: mầu nhiệm Thiên Chúa Cứu chuộc, mầu nhiệm đã được thực hiện trên Núi Sọ bằng cái chết của Con mình, kèm theo lễ tế của tấm lòng Mẹ và tiếng “xin vâng” quyết định.

Như vậy Đức Maria là người biết thấu đáo hơn cả mầu nhiệm lòng Thiên Chúa thương xót. Người biết giá của mầu nhiệm ấy và biết nó lớn lao biết chừng nào. Trong ý nghĩa ấy, chúng ta cũng gọi người là Mẹ của lòng thương xót: Đức Bà có lòng thương xót hay Đức Mẹ của lòng Thiên Chúa thương xót ; mỗi tước hiệu này đều có một ý nghĩa thần học sâu sắc, bởi vì đều nói lên việc tâm hồn và tất cả con người Đức Mẹ đã được chuẩn bị đặc biệt để người có thể trước tiên, thông qua các biến cố phức tạp của Israel rồi thông qua các biến cố liên quan tới mọi người và toàn thể nhân loại mà thấy được lòng thương xót, ai ai cũng được hưởng phần “suốt đời nọ đến đời kia” theo ý định đời đời của Ba Ngôi Chí Thánh.

Tuy nhiên, các tước hiệu trên đây mà chúng ta dành cho Mẹ Thiên Chúa cũng nói về Mẹ một cách chính yếu như về Mẹ của Đấng bị đóng đinh và về Mẹ của Đấng Phục sinh, như về kẻ đã chiêm niệm một cách phi thường về lòng thương xót thì cũng theo mức độ ấy “xứng đáng” hưởng lòng thương xót này trong suốt cuộc đời trần thế của mình, và đặc biệt dưới chân Thập giá của Con mình ; sau cùng các tước hiệu ấy nói với chúng ta về Đức Mẹ như về một con người, qua sự tham dự một cách vừa kín đáo vừa khôn sánh vào công trình cứu thế của Con mình, được đặc biệt kêu gọi để làm cho tình thương mà Đức Kitô đã mạc khải gần gũi với loài người: tình thương được biểu lộ cụ thể nhất là đối với những kẻ đau khổ, những kẻ nghèo khó, những kẻ bị cầm tù, những kẻ đui mù, những kẻ bị áp bức và những kẻ tội lỗi, như Đức Kitô đã nói, bằng những lời nói của ngôn sứ Isaia, tại hội đường ở Nadaret, tiếp đến để trả lời cho những người do Gioan Tẩy Giả phái đến.

Tấm lòng của người Mẹ Đấng bị đóng đinh và Đấng Phục sinh đã tham dự một cách có một không hai và phi thường vào tình “thương xót”, tình thương xót này vẫn được biểu hiện nhất là khi tiếp xúc với sự dữ thể lý và luân lý – Mẹ đã tham dự vào tình thương xót này – và tình thương này không ngừng nơi Đức Mẹ và nhờ Đức Mẹ, được mạc khải trong lịch sử Giáo Hội và nhân loại. Sự mạc khải này đặc biệt có kết quả bởi vì, nơi Mẹ Thiên Chúa, nó dựa trên sự tế nhị đặc biệt của tấm lòng người Mẹ, trên sự mẫn cảm đặc biệt của Người, trên khả năng đặc biệt của Người biết tìm tới tất cả những ai đón nhận cách dễ dàng hơn tình thương xót từ một người Mẹ. Đây là một trong những mầu nhiệm lớn lao và đem lại sức sống của Kitô giáo, một mầu nhiệm gắn liền thật thâm sâu với mầu nhiệm Nhập thể.

Công đồng Vatican II nói với chúng ta: “Kể từ sự ưng thuận mà Người đã đem lại bằng lòng tin của mình vào ngày Truyền tin và đã giữ nguyên không do dự ở dưới thập giá, Đức Maria vẫn không ngừng tiếp tục làm Mẹ như thế trong nhiệm cục ân sủng cho tới khi tất cả những kẻ được chọn đạt tới vinh quang đời đời. Quả thế, sau khi Người lên trời, vai trò của Người trong công cuộc cứu chuộc không bị gián đoạn: bằng việc chuyển cầu không ngừng, Người tiếp tục nhận được cho chúng ta những ơn bảo đảm sự cứu thoát đời đời. Tình Mẹ khiến Người chăm lo cho các anh em của Con mình khi họ chưa đi hết con đường hành hương, hay khi họ còn ở giữa những gian nguy và thử thách, cho tới lúc họ về tới quê hương vạn phúc”.

Thông điệp

Thiên Chúa giàu lòng thương xót

Dives in misericordia

Chương I

Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha (Ga 14, 9)

Chương II

Sứ điệp cứu thế

Chương III

Lòng thương xót trong Cựu Ước

Chương IV

Dụ ngôn người con hoang đàng

Chương V

Mầu nhiệm Phục Sinh

Chương VI

Lòng Thương Xót suốt đời nọ đến đời kia

Chương VII

Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong sứ mạng của Giáo Hội

Chương VIII

Lời cầu nguyện của Giáo Hội hôm nay