Chương VIII: Lời Cầu Nguyện Của Giáo Hội Hôm Nay


Chương VIII
LỜI CẦU NGUYỆN CỦA GIÁO HỘI HÔM NAY

15. Giáo Hội  kêu gọi tới lòng Thiên Chúa thương xót

Giáo Hội công bố chân lý lòng thương xót của Thiên Chúa, được mạc khải trong Đức Kitô chịu đóng đinh và đã Phục sinh, và Giáo Hội tuyên xưng chân lý ấy bằng nhiều cách khác nhau. Ngoài ra Giáo Hội cố gắng thực thi lòng thương xót đối với con người, vì thấy đó là một điều kiện cần thiết cho mối quan tâm của mình về một thế giới tốt đẹp hơn và “có tính nhân bản” hơn cho hôm nay và ngày mai. Tuy nhiên, không có lúc nào và không một giai đoạn nào của lịch sử – nhất là ở một thời kỳ có tính quyết liệt như thời chúng ta – mà Giáo Hội có thể quên lời cầu nguyện là một tiếng kêu gọi tới lòng thương xót của Thiên Chúa khi đối diện với nhiều hình thức của sự dữ đang đè nặng trên nhân loại và đe dọa nhân loại. Quyền và nghĩa vụ căn bản của Giáo Hội, trong Đức Giêsu Kitô, là thế đó: chính là quyền và nghĩa vụ của Giáo Hội  đối với Thiên Chúa và đối với con người. Ý thức con người ngày càng không chống lại nổi sự tục hóa mà quên đi ngay cả ý nghĩa của từ “lòng thương xót”, càng xa rời Thiên Chúa và xa rời mầu nhiệm lòng thương xót, thì Giáo Hội cũng càng có quyền và nghĩa vụ kêu gọi tới Thiên Chúa của lòng thương xót bằng “lớn tiếng kêu van khóc lóc”, “những tiếng kêu van khóc lóc” này phải tiêu biểu cho Giáo Hội thời chúng ta, phải được gởi đến Thiên Chúa để khẩn cầu lòng Ngài thương xót mà Giáo Hội  vẫn tuyên xưng và công bố rằng lòng thương xót này đã được tỏ bày một cách khẩn thiết nơi Đức Giêsu chịu đóng đinh. Chính mầu nhiệm này mang nơi mình mạc khải đầy đủ nhất về lòng thương xót, về tình thương mạnh hơn sự chết, mạnh hơn tội lỗi và mọi sự dữ, tình thương này giữ con người lại trong những sa ngã sâu nhất và giải thoát con người khỏi những đe dọa lớn nhất.

Con người ngày nay cảm thấy những đe dọa này. Những gì đã nói trên kia về điểm này chỉ là đôi nét phác họa. Con người ngày nay thường lo âu, tìm đến những giải pháp giảm căng thẳng đang dồn dập trên thế giới và chằng chịt giữa người người. Và nếu, đôi khi, con người không có can đảm nói ra từ “lòng thương xót”, hay nếu, trong ý thức đã bị lột hết cảm thức tôn giáo của mình, con người không tìm thấy gì tương đương, thì Giáo Hội càng cần phải nói ra từ ngữ đó, chẳng những nhân danh riêng mình mà còn nhân danh tất cả mọi người thời chúng ta.

Vì vậy tất cả những gì tôi đã nói trong tài liệu này về lòng thương xót phải được biến thành một lời cầu nguyện nồng nàn: ước gì tất cả không ngừng biến thành một tiếng kêu khẩn cầu lòng thương xót cho những nhu cầu thiết yếu cho con người trong thế giới ngày nay. Ước gì tiếng kêu này mang nặng tất cả chân lý về lòng thương xót đã tìm được cách thể hiện phong phú biết bao trong Thánh Kinh và trong Thánh Truyền, cũng như trong đời sống đích thực theo đức tin của bao nhiêu thế hệ Dân Chúa. Bằng một tiếng kêu như thế, cũng như các tác giả Thánh Kinh, chúng ta hãy khẩn nài Thiên Chúa là Đấng không thể khinh rẻ những gì Ngài đã tạo dựng, là Đấng trung thành với chính Ngài, với tư cách là Cha của Ngài, với tình thương của Ngài ! Cũng như các ngôn sứ, chúng ta hãy kêu nài tới tình thương từ mẫu đã chăm nom từng đứa con của mình, từng con chiên lạc ; và như thế, ngay cả khi có hàng triệu kẻ thất lạc, ngay cả khi trên thế giới sự bất công thắng thế hơn sự thiện, ngay cả khi nhân loại ngày nay vì tội lỗi của mình mà đáng bị một trận “đại hồng thủy” đi nữa, như thế hệ của Nô-ê xưa kia ! Chúng ta hãy cậy nhờ vào tình Cha mà Đức Kitô mạc khải cho chúng ta bằng sứ mệnh Cứu thế của Người, Người đã đạt tới tuyệt đỉnh trong thánh giá, sự chết và sự sống lại của mình ! Nhờ Đức Kitô, chúng ta hãy cậy trông vào Thiên Chúa, vì nhớ tới những lời trong kinh Magnificat của Đức Maria công bố lòng thương xót “suốt đời nọ đến đời kia” ! Chúng ta hãy khẩn cầu Thiên Chúa thương xót cho thế hệ ngày nay ! Ước gì khi cố gắng theo gương Đức Maria, Đấng mà trong Thiên Chúa đã làm Mẹ loài người, Giáo Hội nói lên trong lời cầu nguyện sự chăm lo của một người Mẹ, và cả tình thương tin tưởng của mình nữa, tình thương mà nơi đó nẩy sinh nhu cầu nồng nhiệt nhất của cầu nguyện.

Chúng ta hãy dâng lên những lời nài van theo đức tin, đức cậy và đức mến mà Đức Kitô đã đem vào lòng dạ chúng ta ! Thái độ ấy cũng là tình thương đối với Vị Thiên Chúa mà con người ngày nay đôi khi đã đẩy thật xa khỏi lòng mình, đã xem Ngài như xa lạ, khi tuyên bố một cách nào đó, Ngài là “vô dụng”. Đó là tình thương Thiên Chúa mà chúng ta cảm thấy cách sâu sắc biết bao khi con người ngày nay xúc phạm và khước từ tình yêu đó, khiến chúng ta luôn kêu lên như Đức Kitô trên Thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Đồng thời đó cũng là tình thương con người, tình thương tất cả mọi người, không loại trừ hay kỳ thị ai cả, không phân biệt chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ, vũ trụ quan, không phân biệt bạn và thù. Tình thương người đối với người là thế đó, luôn mong muốn điều lành cho từng người và cho từng cộng đồng nhân loại, cho từng gia đình, cho từng quốc gia, cho từng tập thể xã hội, cho những người trẻ, những kẻ trưởng thành, những người cha, người mẹ, những người già cả, những kẻ ốm đau: đó là một tình thương dành cho tất cả, không trừ ai. Tình thương là thế đó, sự chăm lo ân cần để bảo đảm cho mỗi người đều được mọi điều tốt đích thực cũng như để đẩy xa và trừ khử mọi sự dữ nơi mọi người.

Và nếu giữa những người đồng thời với chúng ta còn có những anh chị em chưa chia sẻ đức tin và đức cậy, thứ đức tin và đức cậy đã hướng dẫn tôi – với tư cách là tôi tớ Đức Kitô và người phục vụ các mầu nhiệm của Thiên Chúa – biết khẩn cầu lòng thương xót của Thiên Chúa cho nhân loại trong giờ lịch sử này, thì xin họ ít nữa hãy tìm hiểu lý do của sự thúc bách này. Thúc bách vì tình thương đối với con người xui khiến, tình thương đối với tất cả những gì mang tính chất người và theo trực giác của một phần đông loài người thời nay, đang bị một hiểm họa mênh mông đe dọa. Mầu nhiệm Đức Kitô, vì mạc khải cho chúng ta thiên chức cao cả của con người, đã từng thúc đẩy tôi nhắc lại phẩm giá khôn sánh của con người trong thông điệp Redemptor Hominis, thì nay cũng bắt buộc tôi phải công bố lòng thương xót của Thiên Chúa được mạc khải trong mầu nhiệm ấy. Mầu nhiệm ấy còn khiến tôi kêu gọi và khẩn cầu lòng thương xót trong giai đoạn khó khăn và quyết liệt này của lịch sử Giáo Hội  và của thế giới, khi mà chúng ta đang đi tới cuối Thiên niên kỷ thứ hai. Nhân danh Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào Thập giá và đã sống lại, trong tinh thần sứ mệnh Cứu thế của Người vẫn luôn có mặt trong lịch sử nhân loại, chúng ta cất lên tiếng nói và những lời van xin của mình để tình thương ở trong Chúa Cha được mạc khải một lần nữa vào giai đoạn này của lịch sử ; để nhờ tác động của Chúa Con và Thánh Thần tình thương biểu lộ sự hiện diện của mình trong thế giới chúng ta ngày nay, tình thương ấy mạnh hơn sự dữ, mạnh hơn tội lỗi và sự chết. Chúng ta nài van qua sự Trung gian của Mẹ Maria, Đấng vẫn không ngớt công bố “lòng thương xót hết đời nọ đến đời kia”, và của cả những vị từng cảm nhận thâm sâu những lời của Bài Giảng trên Núi: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”.

Trong khi tiếp tục thi hành sứ vụ lớn lao từ Công đồng Vatican II mà trong đó chúng ta có thể nhận ra một giai đoạn mới cho Giáo Hội – phù hợp với thời đại chúng ta đang sống – chính Giáo Hội  phải luôn được hướng dẫn bởi một ý thức trọn vẹn là trong sứ vụ ấy, không có gì có thể cho phép Giáo Hội co rút lại về chính mình. Thật vây, lý do hiện hữu của Giáo Hội là mạc khải Thiên Chúa, tức là Chúa Cha, Đấng cho chúng ta được “thấy” Ngài trong Đức Kitô. Dù sự cưỡng lại của lịch sử nhân loại có lớn đến đâu, dù văn minh ngày nay có nhiều dị biệt rõ nét đến đâu, và dù sự phủ nhận Thiên Chúa trong thế giới loài người có mạnh mẽ đến đâu, thì lại càng phải thật gần gũi hơn với mầu nhiệm đó, mầu nhiệm đã được giấu kín từ muôn đời nơi Thiên Chúa, nhưng rồi đã được Đức Giêsu Kitô thông đạt trong một giai đoạn lịch sử cụ thể của con người.

Với Phép lành Tòa Thánh của Tôi.

 Làm tại Rôma, gần Đền thờ Thánh Phêrô, ngày 30 tháng 11 năm 1980,

 Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng, năm thứ ba Tôi là Giáo Hoàng.

Gioan Phaolô II

Thông điệp

Thiên Chúa giàu lòng thương xót

Dives in misericordia

Chương I

Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha (Ga 14, 9)

Chương II

Sứ điệp cứu thế

Chương III

Lòng thương xót trong Cựu Ước

Chương IV

Dụ ngôn người con hoang đàng

Chương V

Mầu nhiệm Phục Sinh

Chương VI

Lòng Thương Xót suốt đời nọ đến đời kia

Chương VII

Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong sứ mạng của Giáo Hội

Chương VIII

Lời cầu nguyện của Giáo Hội hôm nay